Tại hội nghị sơ kết toàn ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm vừa qua, ông Phạm Đức Ấn,Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, sau 5 năm tái cơ cấu, lợi nhuận trước thuế của Agribank đã tăng trên 200%, nợ xấu giảm mạnh từ 8,1% xuống còn 1,86%.
Một cơ sở quan trọng để đạt được kết quả trên là Agribank quyết liệt tái cơ cấu, trở lại tập trung cho trục chính là nông nghiệp và nông thôn thay vì lấn sân nhiều phân khúc khác trong giai đoạn trước đây.
Ở khối NHTMCP tư nhân, nông nghiệp và nông thôn cũng trở thành trục chính của HDBank, không phải đến nay mà đã vững gốc từ hơn chục năm qua…
Phân khúc hấp thụ tín dụng tốt, phủ rộng sản phẩm dịch vụ
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của HDBank (mã chứng khoán: HDB) cho thấy một trong những điểm sáng: tăng trưởng tín dụng đạt 9,3%, gấp hơn 2 lần bình quân toàn ngành. Trong bối cảnh dư nợ cho nền kinh tế tăng thấp, vẫn có những thành viên như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, HDBank… đạt trên 6% đến trên 10%. Vậy điều gì tạo nên khác biệt?
Với HDBank, câu trả lời đã có từ trước. Không phải ngẫu nhiên hình ảnh bông lúa và những người nông dân được lựa chọn trang trọng trên bìa chính Báo cáo thường niên 2022. Chia sẻ sau đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, đại diện lãnh đạo HDBank lý giải, nông nghiệp - nông thôn và các đô thị loại 2 chính là một trong các phân khúc chiến lược, có sức hấp thụ tín dụng tốt và đầy tiềm năng.
Những năm qua, HDBank liên tiếp mở mới chi nhánh ở các địa bàn xa, phủ sản phẩm dịch vụ tới tận cả các vùng cao như Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang... Nhưng HDBank không phải là gương mặt mới ở phân khúc này.
Hơn chục năm trước, khi sáp nhập DaiABank, chính nông nghiệp và nông thôn đã tạo một trụ đỡ quan trọng cho hiệu quả. DaiABank khi đó đã phát triển sâu ở khu vực Đông Nam bộ, sau sáp nhập có thêm nguồn lực để khẳng định vị thế và hiệu quả tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phân khúc nông nghiệp và nông thôn có gốc rễ gắn chặt từ hơn chục năm trước, lan tỏa sức mạnh để gia tăng tỷ trọng đóng góp cho HDBank đến nay. Thậm chí khu vực Đông Nam bộ hiện đã đứng thứ 3 toàn hệ thống ngân hàng này.
Theo lãnh đạo HDBank, nông nghiệp và nông thôn luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế, gắn với đặc thù thế mạnh của Việt Nam. Vai trò này càng khẳng định trong khủng hoảng Covid-19 vừa qua, hay trong giai đoạn thử thách hiện nay.
Khu vực nông nghiệp và nông thôn tập trung các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), nhu cầu tiếp cận tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính rất lớn. Tại HDBank, riêng phân khúc SME hiện đã chiếm tỷ trọng tới trên 52% tổng dư nợ, ứng với gần 143.000 tỷ đồng.
Bên cạnh sức hấp thụ vốn tốt, khu vực rộng lớn này tạo cơ hội để phát triển các giải pháp trong quản lý dòng tiền và cho vay theo chuỗi, triển khai những tiện ích công nghệ và số hóa. Tại thị trường nông nghiệp nông thôn, HDBank đã triển khai thành công tài trợ các chuỗi có quy mô lớn như chuỗi Lộc Trời, chuỗi CP, chuỗi Unilever,… Đây cũng chính là một tệp nền tảng để lượng khách hàng số, giao dịch trên kênh số của HDBank tăng tới 4-5 lần chỉ vài năm qua.
6 tháng đầu năm 2023, số lượng khách hàng sử dụng kênh số của HDBank tiếp tục tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước; số lượng giao dịch trên các nền tảng số tăng tới 116%, ứng với giá trị giao dịch tăng 132%.
Bám sát trọng tâm chính sách, thu hút nguồn lực đồng hành
Như lãnh đạo HDBank nhấn mạnh ở trên, nông nghiệp và nông thôn vừa đóng vai trò quan trọng, vừa gắn với đặc thù trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo đó, xuyên suốt các giai đoạn phát triển, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn nhất quán các hướng chính sách hướng ưu tiên.
Song, có một thực tế, báo cáo của NHNN qua nhiều giai đoạn đều cho thấy đặc điểm: tại nhiều địa phương, cân đối nguồn huy động tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu tín dụng. Khó khăn kéo dài cho đến nay.
Lãnh đạo HDBank cho biết, để tháo gỡ khó khăn trên, HDBank cũng như các NHTM khác thực hiện điều chuyển vốn từ các địa bàn có thặng dư; NHNN cũng có các chính sách điều hướng. Qua đó, nguồn vốn tín dụng đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế các địa phương, mà thực tế những năm gần đây cho thấy Top đầu tăng trưởng GRDP không hẳn là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Trong điều hành, NHNN luôn có chính sách cho chiến lược nguồn vốn hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn. Từ năm 2017, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN để điều tiết nguồn vốn cho khu vực này để tăng cường lợi thế phát triển kinh tế.
Bám sát trọng tâm của chính sách, xác định rõ chiến lược phát triển với trục nông nghiệp và nông thôn, hướng đi đúng hướng này của HDBank nhiều năm qua đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác mở rộng từ nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới.
Đến nay, HDBank đã trở thành đầu mối uy tín và hiệu quả trong kết nối, truyền dẫn những nguồn vốn quy mô hàng trăm triệu USD từ các chương trình của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), DEG - Định chế Tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức, Proparco - Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp, Quỹ đầu tư Quốc tế Affinity…
“Một trọng tâm của những nguồn tài trợ này là khu vực nông nghiệp và nông thôn, với các doanh nghiệp SME, hộ gia đình và cho vay theo chuỗi. Giá trị có ở những ưu đãi và cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn. Thời gian tới HDBank sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác và gia tăng nguồn lực kết nối này, tăng cường hơn nữa cho trục chiến lược nông nghiệp, nông thôn và các thị trường đô thị loại 2”, đại diện lãnh đạo HDBank cho biết.