Tại 3 huyện Ia Grai, Chư Sê và Mang Yang (tỉnh Gia Lai), diện tích cà phê các địa phương này hiện có 34.000ha. Theo Phòng NN-PTNT của 3 huyện này, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, năng suất cũng cao hơn so với năm ngoái.
Đơn cử như huyện Mang Yang, năng suất ước đạt từ 4-4,5 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 0,5 tấn/ha; còn tại huyện Chư Sê, năng suất cà phê trên địa bàn tăng từ 5%-10%.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, cho biết, vụ cà phê năm nay được mùa, được giá, người trồng cà phê phấn khởi. Trước mắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo trong mùa thu hoạch, người dân cần hái quả chín, tránh rơi vãi. Về lâu dài, người dân không nên thấy giá cao mà mở rộng diện tích cà phê. Thay vào đó, cần tập trung chăm sóc diện tích cà phê hiện có theo hướng hữu cơ để tạo ra giá trị bền vững.
Trong khi đó, ông Lê Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 213.000ha, sản lượng trung bình hàng năm đạt 558.000 tấn. Những năm gần đây, giá cà phê tăng cao đã giúp bà con có kinh tế ổn định. Hiện ngành nông nghiệp đang định hướng phát triển cà phê theo hướng xanh và bền vững. Trong đó, sẽ xây dựng vùng nguyên liệu cà phê tập trung, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc liên kết theo chuỗi giá trị. Từ đó, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Hiện cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 80 thị trường trên thế giới. Tỉnh cũng đang tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm hướng tới thị trường bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Đắk Lắk.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), đánh giá, năm nay dù thời tiết không thuận lợi, nhưng sản lượng cà phê ở Tây Nguyên không giảm, trong đó nhiều khu vực bà con được mùa, sản lượng cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị cà phê, nông dân cần tập trung sản xuất cà phê chất lượng cao, trong đó chú trọng sản xuất hữu cơ, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngành chức năng phải định hướng để người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến đa dạng nhiều phân khúc cà phê, tập trung nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị sản phẩm, đáp ứng thị trường xuất khẩu.