Sáng 1-4, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp quý 2 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm”.
Dự và chủ trì phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường điều hành hội nghị.
Đẩy mạnh thực hiện các gói tín dụng
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, tâm trạng chung của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay có thể chia thành hai nhóm.
Một nhóm đang cố gắng duy trì cầm cự để hoạt động. Bởi tình hình hiện nay, nhu cầu tiêu dùng đang giảm mạnh, các doanh nghiệp tồn đọng rất nhiều hàng và gặp vấn đề về thanh khoản. Do đó, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn như chấp nhận tín chấp hoặc thế chấp bằng hàng hoá, vật tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng và chờ đợi vào các giải pháp của Chính phủ và TPHCM trong việc đẩy mạnh đầu tư công. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhất là lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.
Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp đang cố gắng xoay xở và ấp ủ các dự án để phát triển dài hạn. Tuy nhiên, để có thể hoạt động, các doanh nghiệp cần tiếp cận các dòng vốn dài hạn và mong muốn được gỡ vướng về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai để thế chấp. Mặt khác, doanh nghiệp mong muốn khi thế chấp đất đai thì phải áp dụng theo giá thị trường, bởi hiện nay các ngân hàng đang định giá theo khung giá Nhà nước trong khi doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng… Bên cạnh đó, TPHCM nên sớm xem xét triển khai chương trình kích cầu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã triển khai đề án, chuẩn bị vốn, thẩm định và chỉ chờ “giờ G” để “bấm nút” giải ngân.
Về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, NHNN đang triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%. Đến nay, trên địa bàn TPHCM, NHNN và hệ thống các ngân hàng đã giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 14.000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành như công nghiệp chế biến, hàng không, kho bãi, nông lâm thủy sản… NHNN cũng triển khai chương trình cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó liên tục hạ lãi vay để kích cầu tín dụng.
Riêng tại TPHCM, NHNN chi nhánh TPHCM đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay; tăng cường phối hợp với Sở Công thương xử lý khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TPHCM cũng có 2 gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, vừa qua các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã đăng ký gần 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhóm người yếu thế, thu nhập thấp, công nhân, sinh viên.
Thông tin về chỉ tiêu phát triển 50 triệu mét vuông sàn nhà ở giai đoạn 2021-2025, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân, cho biết hiện nay chương trình đang gặp khó khăn trong triển khai. Hai năm đầu nhiệm kỳ, TPHCM đã xây dựng 13,5 triệu m2 sàn nhà ở. Ba năm còn lại mỗi năm TPHCM phải phát triển 12,2 triệu m2 sàn nhà ở. Tuy nhiên, quý 1-2023, thành phố chỉ phát triển 1 triệu m2 sàn nhà ở.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thành phố cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 35.000 căn nhà ở xã hội và lưu trú công nhân. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 dự án hoàn thành với 280 căn. 9/18 dự án đã được động thổ nhưng khi thực hiện lại vướng Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Thời gian qua, lãnh đạo TPHCM đã lập tổ công tác để tháo gỡ và đã giải quyết, đưa 5 dự án vào thị trường với 7.700 căn.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân đề nghị trong quý 2-2023, tổ công tác tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tháo gỡ cho những dự án nhà ở còn lại. Đồng thời, sở này tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Trung ương, Quốc hội có tháo gỡ các vướng mắc giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở phát triển nhà ở xã hội.
Ổn định thị trường, an ninh trật tự
Về lĩnh vực lao động việc làm, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh cho biết, sở đã phối hợp với các địa phương khảo sát 3.917 doanh nghiệp. Từ ngày 31-12-2022 đến nay, có 30% doanh nghiệp giảm lao động, 50% doanh nghiệp giữ nguyên lao động và hơn 18% doanh nghiệp thêm lao động. Doanh nghiệp cắt giảm lao động chủ yếu trong lĩnh vực giày da, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm.
Trong quý 2, có 71% doanh nghiệp nhận định sẽ duy trì tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, 20% doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng và 7% doanh nghiệp dự kiến giảm lao động chủ yếu do thiếu đơn hàng. Có 877 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực với 14.400 lao động.
Đa phần các doanh nghiệp nhìn nhận sẽ lạc quan với tình hình kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn có 9% doanh nghiệp cho biết thiếu hụt đơn hàng. Trong quý 2, sở sẽ tham mưu UBND TPHCM lập tổ công tác theo dõi tình hình lao động, tăng cường hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sở sẽ chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức 47 phiên, sàn giao dịch việc làm. Trong đó, sở sẽ phối hợp với Sở Du lịch để tổ chức sàn giao dịch việc làm ngành du lịch; phối hợp Sở GD-ĐT thực hiện chương trình hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong các ngành học. Ngoài ra, sở cũng sẽ đề xuất UBND TPHCM ban hành chỉ thị thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, giảm tai nạn lao động.
Liên quan đến tình hình an ninh trật tự, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM, cho biết tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM ổn định, không xảy ra vấn đề lớn. Quý 1-2023, Công an TPHCM ghi nhận 703 vụ việc vi phạm an ninh trật tự, giảm 42 vụ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, địa bàn TPHCM nổi lên tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, mua bán thông tin các cá nhân, lập website các thương hiệu lớn để lừa đảo…
"Đáng chú ý thời gian qua xảy ra nhiều vụ mạo danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu tại bệnh viện để yêu cầu chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Công an TPHCM đang đẩy mạnh điều tra, ngăn chặn", Giám đốc Công an TPHCM thông tin.
Quý 1-2023, Công an TPHCM đã thu giữ khoảng 340kg ma túy các loại, chỉ tính riêng tháng 3, công an đã thu giữ hơn 174kg. Vụ việc 4 tiếp viên hàng không đưa ma túy từ Pháp về Việt Nam được dư luận quan tâm. Hiện nay ngành Công an đang triển khai điều tra trên tinh thần không để lọt tội phạm, sau khi có kết quả điều tra sẽ thông báo chính thức đến người dân.
Trong quý 2-2023, Công an TPHCM sẽ tập trung nắm chắc tình hình an ninh trật tự, thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… để tham mưu UBND TPHCM, Bộ Công an triển khai giải pháp đảm bảo an ninh. Đồng thời, đảm bảo an toàn, trật tự các sự kiện chính trị trên địa bàn Thành phố; phòng ngừa ngăn chặn các loại hình tội phạm như: trộm cắp, tham nhũng kinh tế, ma túy, buôn lậu, môi trường… Tiếp tục đẩy mạnh Đề án 06, trong đó phối hợp Sở GD-ĐT đẩy nhanh cấp CCCD gắn chip và mã định danh cho các thí sinh dự các kỳ thi tuyển sinh.