Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, chia sẻ với PV Báo SGGP về kết quả sau một tháng HĐND TP tổ chức giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Phóng viên: Thưa đồng chí, sau hơn 1 tháng triển khai giám sát, Thường trực HĐND TP đánh giá như thế nào về hiệu quả đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong việc thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP?
Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Qua giám sát thực tế, Thường trực HĐND TP ghi nhận và đánh giá cao UBND TP đã tập trung các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Dù tình hình ngân sách khó khăn, song, TP đã ưu tiên dành nguồn lực lớn cho giao thông.
Trong gần 5 năm vừa qua, TP đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm theo chương trình đột phá đề ra. Tiêu biểu như: cầu Phú Hữu trên đường vành đai Đông, đường Phạm Văn Đồng, đường vào cảng Phú Hữu, cầu vượt ngã tư Gò Mây, cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, hầm chui nút giao An Sương, hầm chui Mỹ Thủy, nút giao thông Đại học Quốc gia TP… Điều này góp phần tích cực giúp công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được cải thiện, tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt so cùng kỳ, số điểm đen tai nạn giao thông, điểm nguy cơ ùn tắc giao thông giảm qua từng năm.
Nhưng cử tri vẫn xót xa, bức xúc vì còn nhiều công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ?
HĐND TP rất chia sẻ và thấu hiểu nỗi lòng của bà con cử tri. Chúng tôi đi giám sát, tới các công trình chậm tiến độ cũng rất xót xa trước tình cảnh này. Có công trình như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), kéo dài 20 năm - thời gian tròn một thế hệ trưởng thành, vậy mà đến nay vẫn còn dang dở.
Điều này cho thấy, mặc dù các đơn vị liên quan có nhiều nỗ lực nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, tiến độ thực hiện nhiều dự án vẫn chậm. Trong tổng số 75 dự án, có 28 dự án phải dừng vì vướng mặt bằng và 29 dự án thi công cầm chừng. Đến nay, TPHCM vẫn chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng được các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô…
Vì sao có tình trạng này, thưa đồng chí?
Quá trình giám sát cho thấy sự chậm trễ của các công trình giao thông trọng điểm xuất phát từ một số nguyên nhân chính. Dù TP dành phần lớn nguồn lực cho giao thông, nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu thực tế. Trong 5 năm qua, kế hoạch vốn bố trí theo tiến độ và khả năng thực hiện cho các dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông là 12.625 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 27% nhu cầu. Trong khi đó, vốn ngoài ngân sách được kỳ vọng lớn nhưng thực tế kết quả cũng rất khiêm tốn. Vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) khoảng 16.966 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 13% nhu cầu. Một số dự án theo hình thức PPP chưa thể triển khai vì còn vướng một số quy định thủ tục pháp lý chưa rõ ràng, chặt chẽ…
Ngoài ra, qua giám sát cũng cho thấy có các nguyên nhân chủ quan, như công tác chuẩn bị đầu tư còn chưa chu đáo, chưa chặt chẽ, chưa khoa học. Còn thiếu đồng bộ giữa các đề án quy hoạch ngành và quy hoạch phân khu 1/2.000, nên kéo dài thời gian thực hiện dự án. Việc phân bổ nguồn lực chưa khoa học, dẫn tới nhiều dự án làm dở dang mà chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, việc chọn và đề xuất danh mục dự án trọng điểm, chọn thứ tự ưu tiên thực hiện dự án, vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm.
Một nguyên nhân lớn khiến dự án chậm trễ chính là ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn (chiếm tỷ trọng trên 50% tổng mức đầu tư) và mất rất nhiều thời gian thực hiện (trung bình từ 14 - 18 tháng, thậm chí có dự án kéo dài từ 2 - 3 năm). Trong khi đó, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan chưa có sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiếu quyết liệt của chính quyền tại một số quận, huyện.
Ưu tiên các dự án trọng điểm, cấp bách
Sự chậm trễ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án giao thông gây ra những hệ lụy gì, nhất là ảnh hưởng đến người dân, thưa đồng chí?
Như ở trên đã chia sẻ, cử tri có nhiều nỗi lòng, tâm tư trước các công trình chậm tiến độ. Công trình giao thông, đặc biệt là công trình trọng điểm chậm hoàn thành dẫn đến kết quả thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 chưa cao. Tình trạng ùn tắc giao thông hiện vẫn còn xảy ra và tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn ở nhiều nơi.
Ngoài ra, công trình giao thông chậm tiến độ không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông mà còn tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ở các nơi che chắn thi công thì việc đi lại của người dân gặp khó khăn, phát sinh ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Có dự án chậm trễ kéo dài như dự án cầu Long Kiểng gây ra bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, các công trình chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, kéo giảm sự tăng trưởng của TP, mất cơ hội đầu tư các công trình, dự án giải quyết nhu cầu dân sinh khác.
Trước thực tế này đòi hỏi phải giải quyết ra sao, trong đó HĐND TP sẽ có những giải pháp cụ thể gì để tháo gỡ các vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm?
TPHCM là đô thị lớn, có dân số đông và nhu cầu đầu tư cho phát triển giao thông rất lớn. Nguồn ngân sách dành cho giao thông tuy nhiều, song vẫn chỉ mới đáp ứng một phần so với nhu cầu. Vì vậy, qua giám sát, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP cần ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án trọng điểm, chứ không thể dàn trải, phân mảng, dẫn tới cảnh dự án đang thi công lại phải dừng lại đợi vốn. Đối với các công trình dở dang như cầu Bưng (quận Tân Phú), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè)…, UBND TP cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tránh gây bức xúc cho người dân. Một nguyên nhân chủ quan qua giám sát đã nhận diện là ở khâu chuẩn bị đầu tư, thì cần được khắc phục, thực hiện chặt chẽ, bài bản, khoa học hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Thường trực HĐND TP cũng thống nhất với các giải pháp mà UBND TP dự kiến tập trung thực hiện trong thời gian tới. Nhất là việc vận dụng cơ chế thu hút vốn, quản lý đầu tư theo Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội; hoàn thiện pháp lý theo hình thức PPP… để huy động tối đa các nguồn vốn (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa) đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông. Cùng với đó là tập trung thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn để vừa giải quyết bức xúc của người dân, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông. Việc Sở GTVT đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí xác định mức độ ưu tiên đầu tư dự án giao thông cũng là giải pháp tốt, qua đó tập trung nguồn lực cho các dự án cấp bách.
TPHCM nỗ lực và tập trung nguồn lực để phát triển giao thông, phần nào xứng với kỳ vọng của đồng bào, cử tri TP. Do đó, HĐND TPHCM cũng sẽ xem xét việc UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM kiến nghị Quốc hội có cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cũng chính là để đẩy tốc độ phát triển kinh tế ở khu vực này nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Xin cảm ơn đồng chí !
Giám sát để chia sẻ, tháo gỡ ách tắc |