Ngày 24-3, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì.
Theo báo cáo, năm học 2021-2022, toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Đến năm 2022, trong vùng có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân viện của các trường đại học; 4 trường cao đẳng sư phạm; 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ học sinh học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học tại các tỉnh Tây Nguyên đều gia tăng. Công tác xóa mù chữ cũng được các địa phương quan tâm ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, trong đó ưu tiên xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành giáo dục - đào tạo ở các tỉnh Tây Nguyên còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, tỷ lệ chuyên cần chưa bền vững.
Đại diện tỉnh Kon Tum kiến nghị ưu tiên sắp xếp nguồn lực duy trì chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ bữa ăn bán trú. Đối với lĩnh vực GD-ĐT, không cắt giảm 10% số lượng người làm việc theo lộ trình. Để tạo động lực cho đội ngũ giáo viên công tác vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, đề nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, trong đó có cơ chế đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như chính sách thu hút, chính sách tiền lương...
Tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết đang cùng các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho vấn đề phân vùng học sinh dân tộc thiểu số ở những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới không được thụ hưởng chính sách. Các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ để lấp đầy những nơi thiếu giáo viên. Đào tạo nghề phù hợp với từng dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cán bộ tham gia hệ thống chính trị đảm bảo tỷ lệ phù hợp tỷ lệ dân số ở từng địa phương. Đó là nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục - đào tạo các tỉnh Tây Nguyên. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp ý sửa đổi chính sách giáo dục phù hợp tình hình thực tế từng giai đoạn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018; chú trọng đầu tư cơ sở, vật chất kiên cố hóa trường học; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; quy hoạch mạng lưới trường lớp hợp lý hơn; nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
“Giáo dục phổ thông của Tây Nguyên phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của khu vực, qua đó góp phần quan trọng triển khai thực thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, toàn tỉnh hiện thiếu 973 giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành và Chương trình GDPT 2018, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành... Hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà nội trú của nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú cũng thiếu.