Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ thống nhất đánh giá, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, đầu tư công vẫn chậm, gặp khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ. Nhập siêu trở lại do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất, trong khi đầu ra cho sản phẩm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là dấu hiệu cần chú ý để tìm giải pháp…
“Vấn đề đầu tư công vẫn chậm là trách nhiệm của người đứng đầu, chưa gương mẫu, chưa xem việc này là trọng tâm, trọng điểm. Trong khi các nhiệm vụ này vừa là động lực cho tăng trưởng, vừa phục vụ cho 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII, vừa phục vụ đời sống nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình sắp tới sẽ đan xen thuận lợi và khó khăn, thách thức, nhưng dự báo khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thế giới và các nước xung quanh Việt Nam chưa kiềm chế dịch bệnh hiệu quả. Trong bối cảnh như vậy, mục tiêu đặt ra là phải kiên trì kiềm chế, đẩy lùi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế sau đợt dịch; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho các đối tượng chịu tác động bởi dịch bệnh, những người yếu thế trong xã hội. Phấn đấu tối đa để hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII và Quốc hội đã đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, trong đó Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa, hợp lý để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ KH-ĐT cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, bảo đảm cung cầu những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, cần tập trung cho nhiệm vụ đầu tư công. Phải có giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề này, cương quyết cắt giảm các dự án dàn trải, chia cắt, manh mún, kéo dài. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt phải tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, cắt giảm chi tiêu hành chính không cần thiết để tập trung cho đầu tư phát triển. “Chính phủ sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ. Chính phủ yêu cầu chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Từ tháng 8, vaccine Covid-19 sẽ về nhiều
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng, chưa kể việc tiêm nhắc hàng năm. Quan điểm của Đảng, Chính phủ là dùng ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hóa để mua và tiêm vaccine cho nhân dân. Do đó, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19, với số dư hiện gần 104 tỷ đồng. Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ và sẽ chuyển vào quỹ khoảng 1.000 tỷ đồng; trong khi các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ hơn 2.000 tỷ đồng… Tới đây, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ sẽ phát động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ; triển khai nhiều hình thức ủng hộ quỹ đơn giản và thuận tiện nhất để nhân dân tham gia.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số vaccine này. Tuy nhiên, khi nhập khẩu, Việt Nam phải cam kết với nhà sản xuất vì họ yêu cầu chúng ta phải ký thỏa thuận trong miễn trách nhiệm khi sử dụng vaccine trong trường hợp có sự cố. Các công ty cũng yêu cầu chúng ta thỏa thuận chấp nhận trường hợp nhà sản xuất giao hàng không đúng tiến độ. Sở dĩ có thỏa thuận này do Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, nên sẽ có trường hợp vaccine đang chuyển về Việt Nam bị chuyển sang nước khác - có tình trạng dịch bệnh cấp bách hơn. Tiến độ cung ứng vaccine hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất bởi cung chưa đủ cầu. Từ tháng 8 trở đi, các nguồn vaccine Việt Nam đặt mua sẽ về đều - dù mua được 170 triệu liều nhưng phải chấp nhận khả năng không được nhận vaccine đúng tiến độ.
Thời gian qua, người dân phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao, vấn đề sửa biểu đồ giá điện đã được Bộ Công thương thực hiện nhiều năm qua, đến thời điểm này vẫn chưa sửa đổi. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, nhất là trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương trình Thủ tướng xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ cũng thống nhất sự cần thiết của Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là trong 10 năm tới phải làm được 3.800km. Tinh thần là phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương trong đầu tư, xây dựng, bảo trì và khai thác các tuyến cao tốc. Đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong giải phóng mặt bằng, Trung ương chỉ hỗ trợ chi phí xây lắp, vốn Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa vùng động lực và vùng khó khăn, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. |