Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động học nghề
Tại chương trình, cử tri đặt nhiều vấn đề liên quan đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề người lao động; các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, việc kết nối cung - cầu lao động.
Trao đổi với cử tri, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Lê Như Trang thông tin, đào tạo nâng cao tay nghề người lao động được thành phố quan tâm đầu tư nhiều năm qua. Do đó, TPHCM có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động có nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực, tay nghề. Người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Phần chênh lệch học phí do doanh nghiệp cử người đi học và người học thỏa thuận đóng góp.
Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đối với các đối tượng đặc biệt, người khuyết tật sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học và thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn... Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày và hỗ trợ 1 lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15km trở lên.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy trì sự gắn kết với doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo của đơn vị. Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố thuộc Sở LĐTB-XH cũng định kỳ tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện giúp người lao động và doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, phỏng vấn và tuyển dụng.
Trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, số lao động mất việc dự báo tiếp tục tăng, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, người lao động mất việc bên cạnh được hưởng trợ cấp hàng tháng còn được tham gia đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí. Sở phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn lao động TPHCM, UBND các địa phương để kịp thời hỗ trợ người lao động mất việc được hưởng các chế độ chính sách theo quy định và giới thiệu việc làm khác trong trường hợp mất việc, nghỉ việc.
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Lê Như Trang thông tin tại chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thông tin thêm về hoạt động hướng nghiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho hay, những năm qua các cơ sở giáo dục phổ thông của TPHCM đều thực hiện phân luồng, định hướng nghề nghiệp. Sở GD-ĐT TP yêu cầu các cơ sở giáo dục quan tâm hơn đến việc tư vấn cho phụ huynh học sinh về nội dung hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp để học sinh lựa chọn, phù hợp với năng lực và điều kiện, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển nghề nghiệp của cá nhân, tương ứng sự phát triển của xã hội.
Hiện TPHCM có hơn 370 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường rất chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng; đa dạng hóa các ngành nghề, các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề cho học sinh và có chính sách liên thông giữa các bậc học nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập suốt đời.
Lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết, dự kiến ngày 21-9, quận Bình Tân tổ chức sàn giao dịch việc làm để hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Dự kiến sẽ có từ 20 đến 30 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, khoảng 1.500 người lao động tham gia.
Thông qua chương trình, quận Bình Tân cũng mong muốn các doanh nghiệp, các trường nghề, người lao động trong và ngoài quận có nhu cầu có thể đến sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại Nhà văn hóa lao động quận Bình Tân, địa chỉ 168 đường Trần Thanh Mại, Khu phố 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.
Nghiên cứu cơ chế đặc thù nâng cao chất lượng đào tạo
Tại chương trình, đại diện các trường dạy nghề tại TPHCM cũng đặt vấn đề về nhu cầu hỗ trợ vay vốn kích cầu để đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, mở thêm nhiều ngành nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Quang cảnh chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trả lời nội dung này, lãnh đạo Sở KH-ĐT TPHCM chia sẻ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98), UBND TPHCM đang xây dựng và trình HĐND thành phố thông qua nghị quyết về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất đối với các dự án do HFIC cho vay thuộc các lĩnh vực cụ thể được quy định.
Dự kiến, các dự án giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp các cấp (trừ nhóm trẻ gia đình) sẽ thuộc đối tượng được xem xét hỗ trợ lãi suất. Đối với các trường xây dựng mới phải đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành đối với từng cấp học, ngành học tương ứng. Sau khi nghị quyết về chính sách này được HĐND TPHCM ban hành, UBND thành phố sẽ có quyết định giao trách nhiệm triển khai cho các sở ngành với các quy định cụ thể. Khi đó, Sở KH-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể đối với các cơ sở giáo dục có nhu cầu đầu tư cở sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.
Bổ sung nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chia sẻ, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp TPHCM gắn với quy hoạch quốc gia về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định các khu vực ưu tiên xây dựng trường cao đẳng, trường trung cấp đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định pháp luật nhằm thu hút, mời gọi các dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 98.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại chương trình. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, TPHCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trung hạn và dài hạn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực với mục đích nâng cao tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87% và đạt 89% vào năm 2030. Đồng chí nhìn nhiệm vụ này sẽ đem lại nhiều thách thức, nhưng thành phố sẽ nỗ lực tối đa.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của cử tri để đề xuất hướng giải quyết, bởi chất lượng nguồn nhân lực là cốt lõi để thành phố phát triển bền vững. Trong đó, tham mưu HĐND, UBND TPHCM phố ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có tham gia tích cực trong việc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo; chương trình kích cầu đầu tư của thành phố theo tinh thần Nghị quyết 98.
Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế hoặc nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ các tổ chức quốc tế có uy tín. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết, phối hợp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố cần quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học để công tác đào tạo nghề đạt chất lượng. Quan tâm sâu sắc trong công tác kiểm định chất lượng để kịp thời khắc phục các điểm yếu, phát huy các điểm mạnh và đề ra được chiến lược phát triển của đơn vị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cần dự báo chính xác tình hình cung - cầu lao động
Điều hành chương trình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nhận xét, việc quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM luôn được chú trọng. Vấn đề giải quyết việc làm luôn là những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, hướng đến tạo việc làm bền vững và tạo cơ hội bình đẳng cho người lao động.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình điều hành chương trình. Ảnh: VIỆT Dũng |
Từ đó, Trưởng ban Văn Hóa – Xã hội HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị thực hiện tăng cường các nhóm giải pháp để phát triển chính sách giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hệ thống kết nối cung cầu lao động liên tỉnh, liên vùng và quốc tế để sàn giao dịch việc làm đạt hiệu quả tối ưu.
Cùng với đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế hoặc nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ các tổ chức quốc tế có uy tín.
HĐND TPHCM cùng đồng hành các đơn vị để tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, các đề án để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố ngày càng hiệu quả và đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của đồng bào cử tri thành phố.