Đối với các công ty nông, lâm nghiệp, cơ quan chức năng đã rà soát ranh giới, cắm mốc được 85,7% khối lượng; đo đạc, lập bản đồ địa chính được 95,1% khối lượng; có 46,3% diện tích các công ty nông nghiệp, 78% diện tích các công ty lâm nghiệp và 70% diện tích ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được cấp giấy chứng nhận; thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc địa chính chính quy được 16,9% khối lượng nhu cầu.
Đặc biệt, về công tác thanh tra và kiểm tra đất đai, trong năm 2018, Tổng cục đã triển khai thực hiện xong các nội dung thanh tra tại 4 địa phương (Thái Nguyên, Đồng Nai, Đắk Lắk và TP Cần Thơ), đạt 100% kế hoạch đề ra; tổ chức kiểm tra thi hành Luật Đất đai tại 5 tỉnh, thành phố; kiểm tra việc xử lý các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng tại 5 thành phố; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại 5 tỉnh Tây Nguyên…
Đáng lưu ý, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vi phạm của cơ quan quản lý và người sử dụng đất. Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ còn tổ chức kiểm tra, làm rõ một số vụ việc nổi cộm báo chí phản ánh và theo chỉ đạo đột xuất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, như vụ việc chuyển mục đích rừng ở tỉnh Lâm Đồng, vụ việc chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Khánh Hòa... kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn tại 7 tỉnh, thành phố; hoàn thiện kết quả kiểm tra và báo cáo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo, xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2018, Tổng cục đã tiếp nhận 692 trường hợp phản ánh, đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giải quyết 234 trường hợp phản ánh. Các thông tin phản ánh chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... nội dung phản ánh tập trung vào các lĩnh vực như: đăng ký, cấp giấy chứng nhận, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và các dự án chậm triển khai.