Chiều 8-1, tại Trung tâm Hội nghị Thành phố, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Đến dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Ông Lê Tuấn Anh, Thứ Trưởng Bộ giao thông Vận tải; Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ban An toàn giao thông Quốc gia và đại diện các sở ban ngành.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, năm 2021, Sở tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ 3 đề án: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030; tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố và đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đề xuất kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối liên vùng, kết nối khu - cụm công nghiệp và khu chế xuất, cảng biển, các dự án hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - Thành phố Thủ Đức, các dự án khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường sắt đô thị và hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng. Xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách như tuyến đường sắt đô thị số 1, cầu Thủ Thiêm 2, Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; cầu vượt Bến xe miền Đông mới, đường Nguyễn Hữu Cảnh, tăng cường kết nối xe buýt với tuyến Metro số 1… Hoàn thành thủ tục trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; các dự án thuộc địa bàn Thành phố Thủ Đức như nút giao thông An Phú, khép kín đường vành đai 2; các tuyến đường cửa ngõ thành phố như mở rộng các quốc lộ 1, 13, 22, 50,...
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, kết nối Vùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm triển khai đầu tư đường Vành đai 3 ngay từ đầu năm 2021 và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị đầu tư cho tuyến đường Vành đai 4 trong giai đoạn 2021-2025.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì họp cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố liên quan để xem xét giải quyết, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; trục động lực kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang, dự án Ga Bình Triệu…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 của thành phố “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, Sở Giao thông Vận tải đẩy mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm chương trình công tác cải cách hành chính; phân công, phân nhiệm và thời gian hoàn thành các chương trình, đề án nhánh thuộc 4 chương trình đột phá phát triển thành phố liên quan đến sở. Phải giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trên địa bàn, bởi vì việc này có thể kìm hãm phát triển kinh tế.
Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò tổ trưởng tổ điều phối kết nối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để kết nối 8 trung tâm chức năng của Thành phố Thủ Đức; Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng Container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.
Song song đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong quản lý khai thác, điều hành giao thông. Trước mắt, xác lập các mô hình dự báo giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp. Về lâu dài, triển khai các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại để tự động hóa tất cả công đoạn trong quy trình, bắt đầu từ khâu phát hiện, ghi nhận đến quy trình các bước xử lý vi phạm và chấp hành của người vi phạm giao thông; cũng như ứng dụng công nghệ vào tất cả lĩnh vực liên quan giao thông trên địa bàn thành phố.