Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, chuyên đề giám sát sẽ tập trung đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước.
Phạm vi giám sát được xác định trong khu vực công từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan; không giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân.
Thống nhất nhận định đây là chuyên đề giám sát quan trọng, phạm vi phức tạp và rất rộng, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đối tượng của chuyên đề giám sát này; tận dụng tối đa báo cáo kết quả của Chính phủ, kiểm toán, thanh tra trong các lĩnh vực, từ đó có thông tin khách quan, đa chiều hơn.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng tài nguyên đất đai.
“Phải làm rõ cả nước có bao nhiêu đất được giao và thu tiền sử dụng đất? Bao nhiêu diện tích đất của quốc gia giao rồi nhưng sử dụng không đúng mục đích, địa chỉ nằm ở đâu?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề. Hay trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, việc cơ cấu lại các công ty nông, lâm trường đã góp phần giao lại bao nhiêu đất cho địa phương, bao nhiêu đất chưa giao về cho địa phương? Số đất địa phương nhận về thì đến nay, bao nhiêu phần trăm đã có kế hoạch giao và sử dụng đất, đất để không, chưa có kế hoạch sử dụng là bao nhiêu? Đất nông nghiệp cũng cần được tập trung giám sát, tổng diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang hóa không sử dụng và chưa sử dụng là bao nhiêu?
Đối với lĩnh vực ngân sách, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đoàn giám sát nên tập trung vào các khoản chi cho lễ hội, hội nghị, khánh tiết, tiếp tân, đi công tác nước ngoài… Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là lĩnh vực vẫn còn lãng phí.