Nước sinh hoạt chủ yếu xả thải ra kênh rạch
Ghi nhận thực tế tại các khu vực dân cư cho thấy, những kênh, rạch ở TPHCM như rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình)… luôn trong tình trạng bị ô nhiễm, nước đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu.
Không khó để nhận ra rằng, hầu hết nước thải sinh hoạt của người dân từ hộ kinh doanh, nhà hàng, sửa xe… đều xả thải thẳng ra kênh rạch. Đây là nguyên nhân chính làm cho kênh rạch ở TP hiện nay bị ô nhiễm nặng.
Quay trở lại kênh Hy Vọng - một điểm nóng về ô nhiễm kênh rạch, chúng tôi nhìn rõ nước kênh ở đây luôn một màu đen kịt, quan sát kỹ thì thấy rất nhiều cống nước thải của khu dân cư thải trực tiếp ra kênh; tình trạng này cũng đang diễn ra hầu hết ở nhiều khu vực dân cư.
Trong khi đó, đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) TP lại đang gặp những khó khăn, tồn tại khác. Đó là các cơ sở này nằm xen cài trong khu dân cư, có công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao.
Nhiều cơ sở chưa đầu tư xây dựng, cải tạo hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, còn xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn quy định ra môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt.
Đối với nước thải từ các khu dân cư, khu đô thị mới đã đi vào hoạt động và bàn giao cho ban quản trị nhưng chưa đầu tư hoặc vận hành thiếu thường xuyên hệ thống xử lý nước thải.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, việc quản lý, thu gom và xử lý nước thải hiện nay ở thành phố còn những tồn tại, thách thức như vậy là do nhiều nguyên nhân. Thành phố mới chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động.
Một nhà máy xử lý tập trung được xây dựng và hoàn thành là nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, với công suất 141.000m3/ngày/đêm và 1 trạm xử lý nước thải đang hoạt động là hồ sinh học Bình Hưng Hòa do Ban quản lý dự án 415 là chủ đầu tư, có công suất 30.000m3/ngày/đêm.
Với 2 nhà máy này, công suất xử lý hiện nay chỉ giải quyết được khoảng 13,2% tổng lưu lượng nước thải đô thị của thành phố. Việc triển khai các dự án xử lý nước thải đô thị tập trung không theo kịp so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch bởi nhiều nguyên nhân.
Cụ thể như, vị trí quy hoạch các nhà máy xử lý nước thải hiện nay đều thuộc khu đô thị hóa nhanh, thường khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa cả về yếu tố kinh tế cũng như yếu tố xã hội.
Mặt khác, TPHCM chưa xây dựng được bộ tiêu chí kỹ thuật trong việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện của thành phố. Ngoài ra, vốn đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải tập trung và các hệ thống cống bao, thu gom lớn cũng là một khó khăn chính trong việc kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời với nguồn vốn lớn, thành phố chưa có cơ chế, chính sách hợp lý trong việc kêu gọi đầu tư theo hình thức công tư đối với các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Đó cũng là rào cản cho việc kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án.
Gấp rút hoàn thành các dự án
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đã khởi công trong giai đoạn 2016-2021, thì trong giai đoạn 2019-2020 TP sẽ triển khai xây dựng 4 nhà máy là Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa Lò Gốm công suất 300.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Tân (Bình Hưng Hòa) công suất 180.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất từ 170.000m3/ngày.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở TN-MT TPHCM cũng đã yêu cầu các KCN, KCX, cụm công nghiệp, thực hiện việc quan trắc tự động chất lượng nước thải kết nối dữ liệu với sở này để việc quản lý được chính xác hơn. Đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng.
Tăng cường kiểm soát các nguồn thải công nghiệp, đặc biệt là các nguồn thải chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc các nguồn thải xả ra sông, kênh rạch; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Yêu cầu các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thời hạn hoàn thành trong năm 2019.
Triển khai việc thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các doanh nghiệp có nguồn lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày trở lên và thiết lập đường truyền về Sở TN-MT.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết TP cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với khu dân cư, chung cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo thẩm quyền.
Đôn đốc chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Ban hành cơ chế quản lý, xử lý các chung cư, khu dân cư đã bàn giao cho ban quản trị nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn quy định về môi trường.
Đồng thời thành phố cũng rà soát quỹ đất, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị tập trung theo tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đảm bảo hiện đại; hạn chế phát sinh mùi hôi tối đa; diện tích sử dụng đất, chi phí vận hành hợp lý.