Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), tổng số trẻ mầm non được đến trường hiện nay là 5.473.223, đạt tỷ lệ 67,3%. Năm học 2018-2019, cả nước tăng thêm 107 trường mầm non, đưa số trường mầm non của cả nước lên 15.501 trường, trong đó có 3.036 trường mầm non ngoài công lập. Toàn quốc có 36.959 điểm trường, 201.291 nhóm/lớp, 15.674 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục.
Theo thống kê, bậc học mầm non hiện có 447.065 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. So với yêu cầu, số giáo viên còn thiếu ở bậc học mầm non là 49.177 người. Để giải quyết vấn đề này, năm 2018, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 20.300 biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Bá Minh, giáo dục mầm non vẫn là bậc học còn nhiều khó khăn. Trường lớp mầm non vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội; tình trạng thiếu trường mầm non ở khu đô thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất còn khá phổ biến. Một số đơn vị cấp xã chưa có trường mầm non độc lập. Vẫn còn 1.695 nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép; nhiều nhóm lớp độc lập tư thục thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương rất thấp. Nhiều nơi giáo viên làm việc ngoài giờ kéo dài nhưng không được trả chế độ thừa giờ. Thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường quá dài, áp lực công việc lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của giáo viên nên ở một số địa phương có tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, cách quản lý ở một số cơ sở giáo dục mầm non hiện nay chưa thật dân chủ, nên chưa phát huy được tiềm năng của đội ngũ giáo viên, chưa tạo động lực cho giáo viên. “Sự không tương thích giữa trình độ đào tạo và năng lực thực tế của một số giáo viên mầm non hiện nay ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục của bậc học này. Chế độ chính sách cho giáo viên mầm non cũng cần phải được quan tâm hơn nữa. Muốn thế, các sở GD-ĐT cần chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách phù hợp cho giáo viên, nhân viên trường mầm non”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý. Song song đó, cần chú trọng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, đảm bảo vật chất và tinh thần phù hợp. Khi giáo viên thực sự hạnh phúc, họ sẽ có động lực giáo dục trẻ mạnh hơn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa qua có nhiều nội dung quan trọng với cấp học mầm non, như nâng chuẩn giáo viên mầm non. Đó là bước đột phá không những nâng cao chất lượng mà còn tạo điều kiện tốt hơn cho giáo viên mầm non về chế độ đãi ngộ. Dù vậy, sự đồng bộ về chính sách, nhất là chính sách liên quan đến chế độ giáo viên, vẫn còn bất cập, cần tiếp tục bổ sung.
Trong năm học 2019-2020, trọng tâm của ngành giáo dục là giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non. “Các sở GD-ĐT cần tham mưu chính quyền địa phương tuyển dụng đủ biên chế được giao, không để tình trạng hợp đồng kéo dài khiến giáo viên không yên tâm công tác”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị. Ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hạn chế các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập không đủ điều kiện; kiên quyết dừng các nhóm không có giấy phép; có các giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo để không xảy ra các vụ bạo hành trẻ.
Kỳ thi THPT quốc gia giữ phương thức thi đến năm 2023Tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 bậc Giáo dục trung học, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết, dự kiến, giai đoạn năm 2021 - 2023, kỳ thi THPT quốc gia về căn bản sẽ giữ ổn định như phương thức thi hiện nay, những nơi nào có điều kiện thì có thể triển khai thi trên máy tính và tổ chức khoảng vài lần/năm. Cụ thể, kỳ thi THTP quốc gia sẽ giữ ổn định như hiện nay và thực hiện cho đến năm 2020. Bộ GD-ĐT đang tổ chức thực hiện việc xây dựng hệ thống câu hỏi để trên cơ sở đó các sở GD-ĐT sử dụng để đánh giá, kiểm tra thường xuyên. Giai đoạn 2021-2023, các trường học vẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và theo lộ trình thì năm 2024 sẽ có mùa thi THPT quốc gia đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, định hướng kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn năm 2021 - 2023 về căn bản vẫn giữ phương thức như hiện nay. Bắt đầu từ năm 2023 có đổi mới để đến năm 2024 sẽ có một kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tiệm cận cách thức thi của quốc tế. |