Chấn chỉnh thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Theo nhận định, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm. Về thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay đã giải ngân đạt gần 71.500 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển đạt 176.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự báo, thời gian tới, tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức nhiều hơn do tác động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế được bộc lộ. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Trong đó, có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá chính xác tình hình để có mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, hiệu quả; tập trung tín dụng vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; sửa đổi nhanh các thông tư liên quan đến nguồn vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn; kêu gọi các ngân hàng thương mại vào cuộc tích cực theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; bảo đảm thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống tiền tệ, tín dụng, ngân hàng...
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường để các thị trường này hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững, song quá trình chấn chỉnh này cũng tác động tới tâm lý thị trường. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh các thị trường này, “không làm không được”, xử lý người sai, bảo vệ người đúng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Y tế khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế; phối hợp vói Bộ GD-ĐT đẩy mạnh tiêm chủng cho học sinh đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả; không để dịch chồng dịch. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thúc đẩy sử dụng 4 triệu tỷ đồng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả, đúng pháp luật. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Vụ án Công ty Việt Á: đã tạm giữ 1.700 tỷ đồng
Chiều 1-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11. Tại buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã thông tin về vụ án Công ty Việt Á. Đây là vụ án phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, nhiều bị can là cán bộ, đảng viên, nhiều người là cán bộ cao cấp đã bị xử lý. Đến nay, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã áp dụng biện pháp khởi tố ngăn chặn đối với 29 bị can, trong đó 2/3 là đảng viên. Cơ quan điều tra cũng đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can đã tự trả lại, nộp cho cơ quan điều tra là 1.700 tỷ đồng.
Ông Tô Ân Xô cũng cho hay, vì vụ án liên quan đến nhiều cán bộ đảng viên nên ngày 20-10, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm trong vụ án Việt Á và phân loại các mức độ vi phạm. Chủ trương xử lý của Bộ Chính trị nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cũng thể hiện tính nhân văn, khoan hồng, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Do đó, Bộ Công an cũng đề nghị những người vi phạm nếu hiện nay chưa thì tiếp tục trung thực khai báo với cơ quan có trách nhiệm, nộp lại số tiền thì sẽ được xem xét khi vụ án tiếp tục mở rộng, điều tra.
Liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay, thị trường TPDN có nhiều khó khăn. Khối lượng phát hành trong thời gian qua có xu hướng giảm. Trong khi đó, có hiện tượng mua lại trước hạn, tức là trái phiếu chưa hết hạn thì doanh nghiệp phát hành mua lại hoặc nhà đầu tư đề nghị mua lại. Để bảo đảm quyền lợi các nhà đầu tư, bộ đã yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đúng trách nhiệm đã cam kết. Song song đó, Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc khó khăn về vấn đề thể chế để từng bước đưa thị trường TPDN trở lại vận hành bình thường, bảo đảm quyền lợi cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, về tiến độ khởi công Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, đến nay, chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đã lựa chọn xong nhà thầu đối với phần móng công trình từ cuối tháng 7. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, dứt khoát phải khởi công trong tháng 12 và hiện nhà thầu đã sẵn sàng. Với khâu giải phóng mặt bằng, UBND TPHCM dự kiến trong tuần này ban hành 2 quyết định: quyết định phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; quyết định thu hồi đất. Nếu không có gì trục trặc về công tác bàn giao mặt bằng, dự kiến từ ngày 15 đến 25-12 này khởi công Nhà ga T3. |