Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách trung ương của chương trình được giao giai đoạn 2021-2024 tính đến thời điểm 30-9 của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Cụ thể, số vốn giải ngân của 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là hơn 12.900 tỷ đồng, tương đương 60,6%.
Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các chính sách, nguồn lực của chương trình đã tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh; hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động lớn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại trong thực hiện từng dự án; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu; hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chương trình cho giai đoạn II…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, giai đoạn 1 của chương trình, chúng ta đã ban hành chương trình đúng, trúng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào dân tộc. Với việc thực hiện giai đoạn đầu từ năm 2021 đến nay, đời sống đồng bào đã được nâng cao đáng kể. Hộ nghèo giảm nhiều, hạ tầng phát triển, diện mạo miền núi thay đổi. Nhiều chính sách nhân văn đến được người dân, tạo niềm tin của đồng bào dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Mặc dù còn có những việc cần rút kinh nghiệm, khắc phục, nhưng về tổng thể, đây là chương trình đã mang lại thành công bước đầu, thể hiện qua các nội dung, như đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tăng lên. Đồng bào các dân tộc có thêm nhiều cơ hội tiếp cận văn hoá, giáo dục y tế; các lễ hội truyền thống, văn hoá được tôn vinh, bảo tồn, công tác an sinh được chăm lo…
Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, chương trình còn có một số tồn tại, các quy định pháp luật vẫn có những cái chưa sát, không phù hợp với đặc thù địa bàn; tỷ lệ giải ngân dù cao hơn với khu vực nhưng so với yêu cầu vẫn còn thấp.
Để kịp thời báo cáo Quốc hội quyết định cho việc thực hiện chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến 2030, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cơ quan trung ương, lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên kết hợp thông tin từ các khu vực khác để rà soát các hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh; rà soát các dự án đã làm, đang làm dang dở, sẽ làm, tinh thần là lựa chọn các dự án có tác dụng thúc đẩy phát triển bền vững và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền; tổ chức hội nghị quy mô toàn quốc, tập hợp các kiến nghị từ các vùng miền để đánh giá kết quả giai đoạn đầu, hoạch định cho giai đoạn sau cho sát, đúng. Từ đây đến cuối năm, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các tỉnh tập trung cho công tác giải ngân vốn thực hiện chương trình; kiện toàn nhân sự tham gia chương trình.