Tại cuộc họp, báo cáo về tình hình điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân thứ 416 đã sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) được 3 ngày và các chỉ số đã cải thiện, khả năng bệnh nhân nay sẽ được cai ECMO trong những ngày tới.
Bệnh nhân thứ 418 có tiền sử mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp. Hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi, cải thiện các chỉ số, thông số hô hấp, khí máu, oxy máu... và chưa có chỉ định ECMO.
Hiện cả 2 bệnh nhân 416 và 418 đều đã hết sốt. Đối với bệnh nhân thứ 431 mắc nhiều bệnh nền như: suy thận mãn giai đoạn cuối, xơ gan, suy tim, tăng huyết áp, tổn thương phổi nhưng hiện các thông số tạm ổn định, chưa phải chạy ECMO mà chỉ thở oxy qua mặt nạ.
TS.BS Lê Đức Nhân cũng cho biết, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã tiến hành phân luồng điều trị, giải toả bệnh nhân, đảm bảo điều kiện về cách ly, điều trị cho các ca bệnh Covid-19. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã được cách ly, phân luồng chạy thận. Đồng thời Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng về công tác phân luồng bệnh nhân, cách ly, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng.
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến của chuyên gia, bác sĩ ở các điểm cầu trong cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, trong công trị điều trị bệnh nhân Covid-19 phải rất tập trung, nỗ lực cao nhất, không để có bệnh nhân tử vong vì đây là căn bệnh nguy hiểm, lơ là một chút là diễn biến xấu rất nhanh. Chia sẻ khó khăn, vất vả của các cán bộ y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất để tình huống đấy không bao giờ xảy ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, các tỉnh thành khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, đặc biệt Hà Nội, TPHCM… không phải không có nguy cơ có người liên quan đến "ổ dịch" ở Đà Nẵng. Cả hệ thống, trước hết là hệ thống y tế phải “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt giữa địa phương với trung ương, giữa địa phương với địa phương. Trước hết, Bệnh viện Trung ương Huế phải sẵn sàng đón nhận những bệnh nhân dương tính có bệnh nền. Bộ Y tế tăng cường các đội cơ động của các bệnh viện đầu ngành hỗ trợ cho Bệnh viện Trung ương Quảng Nam để sẵn sàng công tác cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. Yêu cầu Bộ Y tế điều động các lực lượng, sử dụng các công nghệ xét nghiệm để tìm ra nguồn bệnh nhanh nhất có thể.
Để hỗ trợ Đà Nẵng trong điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là bệnh nhân nặng và có bệnh lý nền, tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và các chuyên gia đã đề nghị Bệnh viện Trung ương Huế tập trung hỗ trợ, giúp đỡ Đà Nẵng.
Trước đề nghị này, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất tại cơ sở 2 để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng tại Đà Nẵng, đặc biệt là những người có nhiều bệnh nền, phải chạy thận nhân tạo.