Thực trạng hiện nay
Ở nước ta hiện nay, nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ được thực hiện trong xây dựng Đảng mà còn cả trong tổ chức quản lý nhà nước, quản lý nền kinh tế, xã hội.
Trong xây dựng Đảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc phù hợp để duy trì dân chủ, nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất cao trong Đảng, khắc phục tình trạng tập trung quan liêu và tự do vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật làm suy yếu Đảng.
Việc nhận thức và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng có ý nghĩa quan trọng, phát huy dân chủ, thống nhất ý chí và hành động, làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chiến đấu, xây dựng, phát triển của Đảng từ năm 1930, khi thành lập Đảng cho đến nay, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Trong sinh hoạt Đảng, Đảng bộ TPHCM luôn chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm cần được khắc phục trong việc nhận thức và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng.
Nhiều đảng viên nặng về thừa nhận nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ đã ghi trong Điều lệ Đảng, chưa tìm hiểu thấu đáo bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, làm cho việc thực hiện nguyên tắc này còn thiếu chủ động, mắc phải những khuyết điểm, sai lầm, duy trì quá lâu chế độ tập trung quan liêu, bao cấp.
Kế hoạch hóa từ trên xuống, mang tính áp đặt, gò ép, không huy động được nguồn lực trong xã hội, kìm hãm phát triển sản xuất kinh doanh, làm cho nền kinh tế, xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Trong xây dựng Đảng, vẫn còn tồn tại tình trạng đảng viên và tổ chức đảng vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Việc tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, ngại va chạm, chưa thực sự sâu sát thực tế. Vẫn còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thậm chí còn lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ ở quy định thiểu số phục tùng đa số, nên chạy chọt, lừa dối, mua chuộc để chiếm đa số, nhằm có chức, có quyền, phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm, làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, vai trò, uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đe dọa sự phát triển, đe dọa sự tồn vong của Đảng đối với vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng cầm quyền.
Nhưng để nhận thức và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng, trước hết, cần nhận thức rõ bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ và làm rõ những lệch lạc cần khắc phục.
Những lệch lạc cần khắc phục
Trong thực tế hoạt động xây dựng Đảng, thường xảy ra hai trường hợp lệch lạc cần khắc phục: Tập trung không trên cơ sở dân chủ; dân chủ không trong khuôn khổ tập trung.
Việc tập trung không trên cơ sở dân chủ thể hiện ở việc cấp trên có quyền ra lệnh cho cấp dưới, cấp dưới phải tuân theo cấp trên. Trong khi đó, những mệnh lệnh của cấp trên là quyết định của một nhóm người, thậm chí là của một người. Dân chủ chỉ là hình thức. Đó không phải là tập trung mà là tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, gây hậu quả nghiêm trọng. Để tránh nguy cơ tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, theo 6 nội dung đã ghi trong Điều lệ Đảng.
Còn trường hợp dân chủ không trong khuôn khổ tập trung biểu hiện ở việc dân chủ được mở rộng, trong khi buông lỏng tập trung, không nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đó không phải là dân chủ mà là tự do vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật, chia bè kéo cánh, gây mất đoàn kết, làm yếu sức mạnh, làm mất uy tín của Đảng, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng đối với vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng cầm quyền. Để giải quyết tình trạng này, phải áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ: dân chủ trong khuôn khổ tập trung.
Thí dụ, việc bầu cử tại đại hội Đảng các cấp, được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này đòi hỏi phải đảm bảo hai mặt của công tác bầu cử:
Mặt thứ nhất: đại hội được tiến hành từ dưới lên; đại hội cấp dưới (cấp triệu tập đại hội) có quyền quyết định số lượng cấp ủy viên; có quyền tự mình giới thiệu và biểu quyết, quyết định danh sách bầu cử; có quyền bầu chọn cấp ủy, bầu chọn bí thư chi bộ, có quyền loại bỏ nhân sự do bầu cử… Đó là mặt dân chủ của công tác bầu cử.
Mặt thứ hai: đại hội phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tiêu chuẩn cấp ủy, về trình tự, thủ tục bầu cử, về sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với khung số lượng cấp ủy viên. Cấp ủy cấp trên không can thiệp, không giới thiệu danh sách bầu cử cho đại hội cấp dưới… Đó là mặt tập trung của công tác bầu cử.
Nếu đại hội đảng bộ cấp dưới (cấp triệu tập đại hội) khi thực hiện mặt dân chủ là thực hiện quyền quyết định của mình mà không chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử là tự do vô chính phủ, vô tổ chức, vô kỷ luật, là vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử.
Bài học và những vấn đề liên quan cần thực hiện
Việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ là không đơn giản, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố về con người như bản lĩnh, phẩm chất chính trị, trình độ nhận thức, đạo đức cách mạng, lối sống, phong cách của người đảng viên và của người lãnh đạo các cấp của Đảng.
Ở nước ta hiện nay, việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng đòi hỏi mọi đảng viên, mọi tổ chức của Đảng các cấp phải nghiêm chỉnh chấp hành các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ đã ghi trong Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở nước ta, Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu to lớn.
Từ bài học về thực hiện không đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến việc Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã và từ tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở nước ta hiện nay như đã nêu ở trên, cho thấy việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng ở nước ta, ngoài việc phải chấp hành nghiêm chỉnh những nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ đã ghi trong Điều lệ Đảng, còn đòi hỏi phải thực hiện đúng đắn một số vấn đề liên quan sau đây:
- Đảng viên và cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng phải luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
- Tổ chức Đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng có giá trị thực hiện khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, phải thảo luận, phải xem xét kỹ, phải cung cấp những chứng cứ, phải có những kết luận khách quan, chính xác, phân biệt đúng, sai một cách rõ ràng đối với tất cả các vấn đề liên quan để các thành viên có cơ sở lựa chọn chính xác khi bỏ phiếu tán thành hay phản đối.
- Đảng viên và cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng luôn giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kiên quyết bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, giữ nghiêm kỷ luật, đoàn kết cán bộ, đảng viên. Xử lý có lý có tình đối với các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết và các hành vi vi phạm khác của cán bộ, đảng viên, làm trong sạch tổ chức Đảng các cấp.
Như vậy, việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng không chỉ đòi hỏi các đảng viên, các cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng phải chấp hành nghiêm chỉnh các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ đã ghi trong Điều lệ Đảng, mà còn đòi hỏi phải thực hiện đúng đắn những vấn đề liên quan đã nêu trên đây.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 19-1-2011 và được trình bày trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (xem Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia năm 2011, Điều 9).