Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM: Mong những chủ trương, quyết sách để công nhân cả nước được chăm lo tốt
Bản thân tôi đã tham dự nhiều đại hội Đảng, đoàn thể nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam, nơi hội tụ những cán bộ công đoàn ưu tú với những trăn trở về cuộc sống của người lao động. Ngoài cơ hội được học hỏi cách làm hay, mô hình tốt, giải pháp tích cực trong chăm lo từ các địa phương, tôi cũng thấy trọng trách của bản thân khi được đại diện hơn 2,2 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn TPHCM để nói lên tiếng nói của anh chị em công nhân tại đại hội.
Trong xu thế hiện nay, hoạt động công đoàn cần phải đổi mới để phù hợp với người lao động. Thực tế, sự mong mỏi, gửi gắm của công nhân đến đại hội không dừng lại ở cơm, áo, gạo, tiền, mà chính là đại hội sẽ tham mưu những chính sách gì để Chính phủ có thể giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho người lao động, như về cơ chế, cơ sở vật chất làm việc và nơi ở; trách nhiệm của người sử dụng lao động, sự kết nối của công đoàn với người lao động trong điều kiện hiện nay.
Anh Phan Thanh Ngàn, công nhân Công ty TNHH Datalogic (Khu Công nghệ cao TPHCM): Quan tâm đến nhà ở công nhân
Hơn 70% công nhân làm việc tại TPHCM và các KCX-KCN đều đến từ các tỉnh, vùng nông thôn khác. Vì thế, nhu cầu nhà ở vô cùng bức thiết. Nhưng thực tế hiện nay, ngày càng nhiều KCX-KCN được thành lập nhưng nhà lưu trú không có, hoặc có chỉ dành công nhân còn độc thân ở, còn công nhân có gia đình phải thuê nhà trọ bên ngoài. Việc thuê nhà trọ cũng vô cùng khó khăn, bên cạnh những chủ nhà tốt, sửa chữa nhà khang trang… vẫn còn chủ nhà chỉ biết thu tiền thuê nhà, chứ không quan tâm đến đời sống của người thuê trọ. Chưa kể, một số chủ nhà trọ còn tăng giá tiền thuê nhà liên tục, lấy tiền điện, tiền nước cao hơn quy định. Ông bà ta thường nói “An cư mới lạc nghiệp”, không có chỗ ở ổn định, công nhân không thể yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, tôi mong muốn tổ chức công đoàn hãy quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề cho công nhân. Trước làn sóng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều ngành nghề sẽ bị thay thế bởi robot, công nhân tay nghề thấp sẽ khó tìm được việc làm. Vì thế, công nhân phải được bổ sung kiến thức tốt, tay nghề cao. Đây là yếu tố sống còn, giúp công nhân thích nghi trước sự biến đổi của công nghệ, yêu cầu của công việc. Khi có trình độ cao, tay nghề giỏi, công nhân mới đóng góp tốt cho doanh nghiệp. Và việc nâng cao tay nghề không chỉ là trách nhiệm của tổ chức công đoàn mà cần sự chung tay của doanh nghiệp và các đơn vị, đoàn thể khác cũng như sự cố gắng của chính bản thân mỗi công nhân lao động.
Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Long Rich (Việt Nam): Thực hiện đến nơi đến chốn những quyết sách có lợi cho người lao động
Tôi cho rằng, để đánh giá đúng đời sống người lao động hiện nay ra sao, cán bộ công đoàn cấp trên cần xuống cơ sở vào giờ tan ca, đến các khu nhà trọ, nhà trẻ - nơi công nhân gửi con - thì sẽ có cái nhìn khách quan nhất. Thực tế, công nhân còn gặp rất nhiều khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần. Tại đơn vị tôi, 70% công nhân phải gửi con ở các cơ sở tư nhân với giá cao. Riêng các cháu được gửi tại các trường công lập thì cha mẹ phải tốn thêm một phần chi phí khá cao để gửi thêm ngoài giờ. Bởi giờ tan học của các cháu và giờ tan ca của cha mẹ không trùng nhau. Vấn đề này đã được bàn bạc, tính toán trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng, giúp người lao động an tâm làm việc. Một vấn đề cấp bách đối với người lao động hiện nay chính là bữa ăn. Có đến các chợ tạm, chợ lề đường mới thấy thực phẩm đa phần là hàng trôi dạt, bán ế ở các chợ chiều nên được mang đến bán cho công nhân với giá rẻ. Và tất nhiên với đồng lương ít ỏi, người lao động chẳng còn sự lựa chọn nào khác là mua những loại thực phẩm này.