Thu hút vốn FDI đứng đầu cả nước
Về hoạt động đầu tư trong nước, theo Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân được hơn 35.100 tỷ đồng, đạt 83,6% tổng kế hoạch vốn thành phố giao (41.984 tỷ đồng). Trong đó có 22 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (64 tỷ đồng); 166 dự án PPP (323 tỷ đồng); 14 dự án tham gia chương trình kích cầu được UBND TP phê duyệt (1.733 tỷ đồng). Ngoài ra, TP đang triển khai 9 dự án ODA với tổng vốn đầu tư hơn 122.500 tỷ đồng (đã giao 15.500 tỷ đồng, vốn đối ứng 897.500 tỷ đồng); 14 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Đáng chú ý, năm qua, số lượng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào TP đạt 4,36 tỷ USD, tuy con số này giảm 47,5% so với cùng kỳ nhưng đạt cao nhất so với các tỉnh thành cả nước. Như vậy, trên địa bàn TPHCM hiện đang có gần 10.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 48,2 tỷ USD.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai xác định rõ chương trình công tác năm 2021 là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đúng chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” nhằm thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn.
Cụ thể, có 8 nhóm chỉ tiêu cần thực hiện gồm: thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 5,4 tỷ USD; trên 40.000 doanh nghiệp thành lập mới; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) thuộc tốp 5 của cả nước; tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 91%; giải quyết, xử lý 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân; 98% hồ sơ được xử lý đúng hạn và công khai kết quả giải quyết; 100% văn bản, tài liệu, trao đổi công việc giữa các cơ quan hành chính xử lý bằng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống điện tử trong công việc.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT, thời gian qua quy chế phối hợp giữa các sở ngành hiệu quả chưa cao, vì vậy trước hết cần sự phối hợp tốt trong nội bộ, giữa các phòng ban từng đơn vị, từ đó mới có thể làm tốt việc phối hợp giữa các đơn vị sở ngành. Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cũng cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư thì phải có sự liên thông, cải tiến để rút ngắn quy trình, thời gian.
Trong khi đó, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng đề nghị chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang đổi mới sáng tạo, theo đó, phương pháp hỗ trợ cũng cần thay đổi, chú trọng vào hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Sở Ngoại vụ cũng cho rằng cần đổi mới hình thức xúc tiến trong bối cảnh đi lại khó khăn trong mùa dịch bằng hình thức đối thoại hữu nghị qua mạng trực tuyến để xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Về mặt pháp lý, theo đại diện Sở Tư pháp, cần ban hành tiêu chí sàng lọc nhà đầu tư, nhằm tránh nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp quốc tế…
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao sự nỗ lực của Sở KH-ĐT. “Dù tình hình có nhiều khó khăn, nhưng Sở KH-ĐT vẫn hoàn thành 36/40 chỉ tiêu nhiệm vụ. Nhiều dự án vướng mắc nhưng Sở KH-ĐT đã tích cực liên hệ các bộ, ngành, Trung ương để tháo gỡ. Điều đó đúng quan điểm của TP là những dự án của các doanh nghiệp gặp khó khăn thì cùng doanh nghiệp tháo gỡ. Dù khi triển khai doanh nghiệp không đảm bảo tuân thủ đúng quy định, quy trình pháp luật nhưng TP vẫn giúp doanh nghiệp tháo gỡ chứ không đẩy họ vào bế tắc. Quan điểm xuyên suốt là lãnh đạo TP luôn song hành cùng doanh nghiệp!”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” nên phải tạo được môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục hành chính để thu hút đầu tư hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao. Trong đó phải tập trung giải pháp để phát huy được nguồn lực đầu tư trong nước, đồng thời tăng cường kêu gọi được đầu tư nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong đồng ý với 8 chỉ tiêu mà Sở KH-ĐT nêu ra nhưng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ “kế hoạch chuyển đổi số” của ngành KH-ĐT để xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.
Đối với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư năm 2021, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải cụ thể, sát sườn, đó là cải thiện chỉ số PCI (pháp chế, tiếp cận đất đai, năng động của chính quyền…); còn cải cách hành chính thì phải rõ quy trình, thời hạn, trả lời một lần… “Sở KH-ĐT phải tổ chức hội thảo tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, sự phối hợp giữa các đơn vị để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; rà soát lại danh mục đầu tư, tìm hiểu khó khăn vướng mắc của từng dự án đang đóng băng để tham mưu UBND TP tháo gỡ. Đồng thời phải tham mưu cho TP xây dựng được các tập đoàn lớn ở từng lĩnh vực, như vậy mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của TP”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, năm 2020, sở đã giải quyết 330.000 hồ sơ, thủ tục hành chính. Cụ thể, cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp cho gần 42.000 doanh nghiệp (giảm 5,2% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký gần 1.170.000 tỷ đồng (tăng 63,5%); 77.700 lượt cấp đổi và tổng vốn tăng thêm 614.500 tỷ đồng. nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh (tăng 40%); gần 6.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; 10.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại. |