Các lĩnh vực kinh tế tăng mạnh
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá, trong 7 tháng đầu năm 2024 các lĩnh vực kinh tế về dịch vụ, công nghiệp đều tăng mạnh.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 661.521 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,07 tỷ USD, tăng 10%; tổng thu du lịch ước đạt 108.004 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, khối lượng vận tải hành khách ước đạt 279,4 triệu lượt, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Chỉ số IIP trên địa bàn TPHCM tăng 6,2%. Số doanh nghiệp thành lập mới là 29.991, tăng 8,4% về số lượng.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TPHCM, tính đến ngày 26-7, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TPHCM đã giải ngân là 11.804,652 tỷ đồng, đạt 14,9% số vốn được giao.
Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe và y tế được chú trọng và triển khai. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn thành phố được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm...
Thời gian tới, UBND TPHCM xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TPHCM trong năm 2024.
TPHCM phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% theo như cam kết và kế hoạch đã đề ra. UBND TPHCM tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060; Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040. Đồng thời, hoàn thiện, trình Bộ KH-ĐT rà soát hồ sơ quy hoạch đã tiếp thu, hoàn chỉnh theo báo cáo thẩm định…
Trong tháng, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho 27.221 lượt người, nâng tổng số giải quyết việc làm trong 7 tháng năm 2024 là 193.356 lượt người, đạt 64,5% kế hoạch.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài là 8.719 người, tập trung ở ngành nghề chính như: chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.
Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã tiếp nhận 75.327 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 8,8% so với cùng kỳ; ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 72.381 người lao động đủ điều kiện, giảm 6,6%.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến năm 2025
Tại phiên họp, UBND TPHCM thảo luận dự thảo chỉ thị của UBND TPHCM về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TPHCM đến năm 2025.
Dự thảo nhằm tập trung điều hành đạt tăng trưởng GRDP năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 là 8 - 8,5%; tập trung nâng các chỉ số cải cách hành chính, phấn đấu đạt tốp 5 địa phương đứng đầu cả nước.
Đồng thời, phấn đấu đạt tỷ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hoặc tái chế là 80%; phấn đấu đạt tổng diện tích nhà ở đạt từ 40 triệu m2 và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, tăng tỷ trọng kinh tế số, phấn đấu đạt chỉ tiêu theo công bố của Bộ TT-TT (năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%). Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 6,5%; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục là động lực tăng trưởng, với mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. TPHCM phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu tăng 10% so với năm 2023.
Theo UBND TPHCM, 2024-2025 là giai đoạn then chốt, đóng vai trò thiết yếu trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp trọng tâm, trọng điểm và nỗ lực triển khai có kết quả trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
7 nhóm giải pháp tập trung từ nay đến năm 2025
Nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư; Nhóm giải pháp cải cách hành chính; Nhóm giải pháp triển khai thực hiện các quyền hạn đã được phân cấp, ủy quyền cho Chính quyền thành phố; Nhóm giải pháp thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường; Nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; Nhóm giải pháp bảo vệ môi trường, thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội, mở rộng quỹ đất cho phát triển; Nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; Nhóm giải pháp thúc đẩy ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.