Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, nhu cầu gửi con học cả ngày ở trường, trong đó có yêu cầu về tổ chức bữa ăn bán trú của phụ huynh hiện nay khá lớn.
Trong khi đó, cán bộ quản lý trường học không phải những nhà chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ làm công tác quản lý nhà nước, trong đó có nội dung này.
Từ thực tế đó, hàng năm, Sở GD-ĐT TPHCM đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật thông tin mới về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng bữa ăn trong trường học.
"Toàn thành phố hiện có hơn 2.400 đơn vị trường học, chưa tính nhóm trẻ độc lập tư thục. Số lượng đơn vị và trẻ tham gia ăn bán trú là rất lớn, do đó cần có thêm công cụ để nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng bữa ăn cho học sinh", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM bày tỏ: "Năm học 2023-2024, toàn thành phố chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm ở trường học, tuy nhiên nguy cơ vẫn rất cao. Tôi tán thành đề xuất của Sở GD-ĐT TPHCM về việc nghiên cứu có thêm công cụ cho các trường tự kiểm tra, đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại đơn vị".
Tới đây, trong năm học 2024-2025, đại diện Sở An toàn thực phẩm khuyến nghị các đơn vị trường học nâng cao chất lượng nguồn gốc thực phẩm đầu vào, tức thực phẩm không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu là đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần đáp ứng những chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP...
Ngoài ra, theo ông Lê Phúc Đảm, chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Sở An toàn thực phẩm TPHCM), trường học cần nắm vững các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi phạm quản lý nhà nước cũng như các quy định về an toàn thực phẩm.
"Hiện nay, nhiều đơn vị trường học đi kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn từ 2-3 lần/năm học. Nếu đơn vị nào không sắp xếp được thời gian đi kiểm tra thực tế có thể yêu cầu bếp ăn lắp camera để giám sát từ xa", ông Lê Phúc Đảm chia sẻ.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hoạt động tập huấn được tổ chức thành 5 lớp với hơn 2.700 cán bộ quản lý của phòng GD-ĐT, trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM tham dự.
Chương trình tập huấn xoay quanh các nội dung gồm: quy định hiện hành về công tác an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn vận hành hệ thống tự kiểm tra...