Trong 9 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 2.959 vụ cháy, nổ làm 76 người chết và 124 người bị thương, ước thiệt hại về tài sản khoảng 1.057 tỷ đồng. Riêng tại TPHCM đã xảy ra 412 vụ, việc liên quan đến cháy, nổ và CNCH. Kế hoạch được ban hành nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chính quyền các cấp; người đứng đầu cơ quan tổ chức, cơ sở... trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC-CNCH.
Phát huy triệt để phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCCC-CNCH. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC-CNCH; chủ động trong công tác phòng ngừa, khi có cháy, nổ, tai nạn xảy ra, xử lý có hiệu quả ngay từ ban đầu, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo kế hoạch, UBND, công an các quận huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TPHCM đồng loạt tổ chức tập huấn cho cộng đồng trên địa bàn quận huyện. Đối tượng là cán bộ, đội viên đội PCCC cơ sở; cán bộ đội viên đội PCCC chuyên ngành; lãnh đạo UBND, công an phường, xã, thị trấn; trưởng ấp, tổ trưởng dân phố; cán bộ đội viên đội dân phòng; chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ…
Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu các lớp tập huấn tập trung phổ biến kiến thức về PCCC-CNCH; hướng dẫn các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn PCCC, điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới, công trình nhà cao tầng. Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ tại các trụ sở, văn phòng làm việc, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, nơi tập trung đông người, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy.
Tại các lớp tập huấn, học viên phải được quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC-CNCH; cảnh báo các nguy cơ gây cháy nổ khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình sử dụng các thiết bị điện tử, bếp gas, xăng dầu, khí đốt, hóa lỏng.
Hướng dẫn các biện pháp về PCCC; kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, chống nhiễm khói; quy trình thực hiện chữa cháy, CNCH khi có sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra. Đồng thời hướng dẫn kỹ cách bảo quản, kiểm tra và thực hành kỹ năng sử dụng các trang thiết bị bình bột, bình khí; sử dụng chăn cứu hỏa, vòi nước chữa cháy; kỹ năng cứu người trong đám cháy và thực hành sơ cấp cứu người bị nạn theo trình tự...
Kết thúc tập huấn, các học viên cần tiếp tục nghiên cứu, trau dồi thêm kiến thức; thực hiện xuyên suốt phương châm “4 tại chỗ”, lấy công tác phòng là chính, để trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC-CNCH tại cơ quan, đơn vị và địa phương, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trung tá Nguyễn Việt Trà, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC-CNCH, khẳng định việc tuyên truyền phòng chống cháy, nổ là giải pháp quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm ngăn ngừa cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Cần xác định việc phòng ngừa cháy nổ và trang bị các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn là việc làm tự giác, lâu dài, thường xuyên, liên tục, mang tính chất rộng rãi, toàn dân, toàn diện.
Lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng luôn là lực lượng tại chỗ đầu tiên phát hiện và tổ chức cứu chữa các tình huống cháy, nổ giai đoạn ban đầu, khi sự cố mới xảy ra, chỉ cần sử dụng phương tiện chữa cháy đã được trang bị tại chỗ để xử lý thì hiệu suất thành công sẽ rất cao. Phát huy tối đa vai trò và sức mạnh của lực lượng cơ sở, dân phòng là yếu tố quyết định thắng lợi trong công tác PCCC tại cơ sở và khu dân cư.
“Trong thực tế công tác chiến đấu của đơn vị, đã khá nhiều lần đơn vị nhận tin báo cháy, nhưng khi lực lượng và phương tiện được điều động đến hiện trường lại không phải triển khai, bởi sự cố đã được lực lượng dân phòng xử lý và dập tắt kịp thời khi đám cháy vừa mới phát sinh. Đó thực sự là tín hiệu vui”, Trung tá Nguyễn Việt Trà nói.