Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hàng năm Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên quy mô toàn quốc, huy động số lượng lớn cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, chấm thi cùng lực lượng hỗ trợ an ninh, phục vụ tại các điểm thi.
Do đó, kỳ thi đòi hỏi quy trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt hiệu quả, giảm thiểu tối đa những rủi ro phát sinh không đáng có.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công tác chuẩn bị một cách chu đáo, đồng thời nghiên cứu và tham mưu sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, tổ chức tập huấn nghiệp vụ coi thi.
Bên cạnh đó, việc tập huấn công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi nhằm đảm bảo sự công bằng, an ninh và an toàn cho kỳ thi.
Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi có sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đó, các Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố và các trường đại học đã thực hiện nghiêm túc, đối tượng hướng đến không chỉ thí sinh mà cả đội ngũ thầy cô giáo tham gia kỳ thi ở tất cả các khâu, vừa đảm bảo đúng quy trình, quy chế vừa có sự thân thiện.
"Năm nay, trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các năm trước, tôi đề nghị tất cả các khâu thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, không được chủ quan, lơ là", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị tập huấn |
Từ nội dung tập huấn này, các Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi, đảm bảo tất cả thành viên đều được tập huấn bằng nhiều hình thức.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, việc tập huấn thanh tra, kiểm tra hướng đến mục đích phòng ngừa, ngăn chặn là chính chứ không tập trung công tác xử lý. Để phòng ngừa trường hợp đáng tiếc xảy ra, ngành giáo dục phải chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị và con người, kịp thời phát hiện và ngăn chặn trường hợp đáng tiếc xảy ra theo tinh thần kiểm tra toàn diện, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và giám sát thường xuyên.
Do kỳ thi diễn ra trong thời gian ngắn nên Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương tập trung công tác kiểm tra và giám sát. Trong đó, mọi khâu chuẩn bị, tổ chức kỳ thi đều phải được kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy định.
Các đại biểu tham gia tập huấn sáng nay. |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày 27, 28 và 29-6, trong đó ngày 30-6 là ngày thi dự phòng.
Thí sinh tham gia dự thi các môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Trước đó, vào 14 giờ ngày 27-6, thí sinh có mặt tại điểm thi để làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi.