Tại chương trình, ban tổ chức cung cấp cho người tham dự thông tin định nghĩa, thuật ngữ liên quan, cách nhận diện những điểm khác biệt của 3 nhóm dễ bị tổn thương bao gồm: phụ nữ, người khuyết tật và người LGBT (những người có khuynh hướng tình dục, bản dạng giới, biểu hiện hoặc tập hợp các đặc điểm giới tính có xu hướng bị phân biệt đối xử) so với các nhóm người còn lại)...
Các thành viên tham dự cũng thẳng thắn trao đổi về các vấn đề bạo lực gia đình, phân biệt, kỳ thị giới tính, quấy rối tình dục…, cùng thực hiện làm việc nhóm, thảo luận kỹ năng đưa tin về các nhóm dễ bị tổn thương. Từ đó, gợi mở nhiều phương thức tiếp cận, đưa tin bài về các nhóm dễ bị tổn thương. Cụ thể, nhà báo cần tập trung khám phá những câu chuyện, cách trình bày mới mẻ, thú vị, chính xác về các nhóm dễ bị tổn thương và đưa tin một cách thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương. Tuân thủ các nguyên tắc thông tin để đảm bảo hoạt động truyền thông chính xác, khách quan và góp phần thúc đẩy sự đa dạng và chống phân biệt đối xử đối với các nhóm này.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chia sẻ, với chức năng thông tin, định hướng dư luận, các cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác về mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có cả thông tin về các quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương và các thiệt thòi tiềm ẩn mà họ phải đối mặt. Bằng cách chống lại các định kiến và thúc đẩy đưa tin toàn diện, các nhà báo có thể góp phần xóa bỏ sự kỳ thị và những hình ảnh đại diện có hại cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Dịp này, ban tổ chức cũng giới thiệu dự thảo sách "Sổ tay dành cho báo chí đưa tin về một số nhóm dễ bị tổn thương". Sách do Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện.