Một trong những khó khăn lớn đối với công tác lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại TPHCM là việc thiếu các cơ sở dữ liệu về hiện trạng không gian bên dưới mặt đất như địa chất, thủy văn ra sao, có bao nhiêu công trình, tại các vị trí nào… Tuy nhiên, đang xuất hiện những tín hiệu vui cho TPHCM để tháo gỡ những trở ngại bước đầu này.
Theo các chuyên gia, việc thu thập được càng nhiều dữ liệu sẽ càng giúp ích cho thành phố, bởi không chỉ tiết kiệm đáng kể về kinh phí mà còn rút ngắn thời gian thực hiện quy hoạch, xúc tiến nhanh việc quản lý đô thị theo quy hoạch.
Nhiều đơn vị sẵn sàng cung cấp dữ liệu
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, năm 2008 thành phố từng chỉ đạo về việc nghiên cứu, lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm trên địa bàn toàn thành phố nhưng dữ liệu đầu vào khi đó thiếu rất nhiều nên chưa thể thực hiện được. Năm 2012, UBND TP phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu (khu 930ha), trong đó có quy hoạch không gian ngầm nhưng chủ yếu phân bổ ở quận 1 và đồ án cũng chỉ dừng lại ở việc bố trí mặt bằng, chưa có sự định hướng phát triển không gian cũng như các ứng dụng hiệu quả của công trình ngầm. Cho đến nay, cơ sở dữ liệu hiện trạng không gian ngầm ở thành phố vẫn còn thiếu rất nhiều.
Tuy nhiên, tại cuộc họp về vấn đề này được tổ chức tại Sở QH-KT mới đây, đại diện Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM cho biết, năm 2012 đã được UBND TP giao thực hiện đề án khảo sát toàn bộ; điều tra, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục lún sụt mặt đường. Nhóm chuyên gia đã khảo sát hiện trạng mặt đường cũng như điều tra các công trình ngầm. Sau 6 tháng đã thu thập được số lượng, vị trí các công trình ngầm cũng như danh tính 15 đơn vị sở hữu các công trình này. Ông Hà Ngọc Trường, Chủ nhiệm đề án năm ấy, cho biết dữ liệu công trình ngầm về điện, nước, cáp… của 24 quận, huyện đã gần như đầy đủ và sẵn sàng chuyển giao kết để Sở QH-KT thực hiện quy hoạch không gian ngầm. Đơn vị thực hiện quy hoạch cần khảo sát bổ sung, cập nhật thêm số liệu từ năm 2012 trở về sau này.
Còn đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị cho hay, hiện đã xác định được vị trí, thiết kế nhà ga các tuyến metro và có thể cung cấp thông tin để các đơn vị lập quy hoạch dựa vào đó thực hiện cho sát hơn. Quá trình xác định phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, các đơn vị đã đồng tình rằng, bước đầu nên lấy các tuyến metro làm tâm, từ đó sẽ mở rộng ra ranh quy hoạch.
Cần cập nhật và chi tiết hóa
Theo TS-KTS Võ Kim Cương, vấn đề cốt lõi của quy hoạch không gian ngầm không phải là “làm cái gì” mà là “chỗ nào làm được, chỗ nào không làm được”, cho nên địa chất, thủy văn công trình là dữ liệu mang tính quyết định.
Thực ra thì thành phố đã sớm có dữ liệu quan trọng này. Năm 2009, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) được thành phố “đặt hàng” khảo sát, nghiên cứu lập bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình tỷ lệ 1/50.000 trên toàn địa bàn thành phố.
Sau hơn 18 tháng thực hiện, dự án đã được nghiệm thu và thông qua, trong đó có nhiều sản phẩm quan trọng như bản đồ địa chất thủy văn chung và bản đồ địa chất thủy văn các tầng chứa nước (cung cấp các thông số địa chất thủy văn cơ bản phục vụ thiết kế chiều sâu tường vây hoặc đánh giá sơ bộ lượng nước chảy vào các hố móng khi xây dựng các công trình có tầng hầm), bản đồ địa chất công trình (cung cấp những hiểu biết về thứ tự phân bố, bề dày, tính chất cơ lý của từng kiểu thạch học, phức hệ thạch học; thông tin về mực nước và tính chất ăn mòn của nước dưới đất; các quá trình và hiện tượng địa chất động lực có khả năng xảy ra trên khu vực mục tiêu để tiên liệu các giải pháp phòng tránh…), bản đồ sức chịu tải của nền đất và phân bố đất lún ướt (giúp các nhà quy hoạch và thiết kế xây dựng lựa chọn chiều sâu các công trình nghiên cứu, lựa chọn các biện pháp thi công, đặc biệt là trên nền đất yếu khi lập các dự án khả thi…).
PGS-TS Đậu Văn Ngọ, Đại học Bách khoa TPHCM - người có nhiều nghiên cứu về công trình ngầm - đánh giá đây là tài liệu vô cùng quan trọng đối với TPHCM. Bởi nếu bây giờ mới thực hiện khoan thăm dò, nghiên cứu, lập bản đồ địa chất, thủy văn công trình thì vừa “ngốn” thêm kinh phí, lại kéo dài thời gian lập quy hoạch; trong khi việc xây dựng công trình ngầm tại thành phố phát triển nhanh mà chưa có công cụ quản lý. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm thành phố cũng như thiết kế kỹ thuật thì cần chi tiết hóa các bản đồ này với tỷ lệ lớn hơn, tối thiểu cũng phải được 1/1.000.
Cũng theo PGS-TS Đậu Văn Ngọ, cần phải biết và hiểu được hướng thoát nước của thành phố là hướng Tây Bắc - Đông Nam để quá trình quy hoạch, thiết kế tránh xây dựng các công trình chắn ngang hướng thoát nước. Bởi nếu các tầng thoát nước bị chắn ngang, mực nước dưới đất sẽ dâng lên cao, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng các công trình ngầm mà còn gây ngập. Trong trường hợp không còn lựa chọn nào khác, bắt buộc phải xây dựng các công trình chắn ngang các mạch ngầm thoát nước, chẳng hạn các tuyến metro, thì cần có phương pháp xử lý. “Kinh nghiệm trên thế giới là xây dựng các “dòng sông ngầm”, nôm na là các rãnh chứa các vật liệu hút nước như cát, cuội, sỏi… để hút nước, không chảy vào các công trình ngầm. Thiết kế này không phức tạp, chỉ đòi hỏi phải khảo sát ban đầu thật kỹ”, TS Ngọ cho hay.