Nhiều nơi tiếp tục có mưa vừa, mưa to; một số nơi như Hòa Bình 62mm, Kim Bôi (Hòa Bình) 73mm, Quảng Hà 55mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 104mm, Văn Lý (Nam Định) 53mm, Nho Quan (Ninh Bình) 60mm, Hà Tĩnh 62mm.
Chiều 14-7, dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc biển Đông nối với một vùng áp thấp trên khu vực vịnh Bắc bộ có vị trí ở khoảng 18,5 - 19,5 độ vĩ Bắc và 106,5 - 107,5 độ kinh Đông đang có xu hướng mạnh hơn. Dự báo từ khoảng chiều 15-7 đến ngày 16-7, vùng áp thấp này có nhiều khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Ông Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc diễn tập ứng phó với mưa lũ lớn theo giả định
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, sau có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, từ đêm 14 đến ngày 15-7, ở vịnh Bắc bộ có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, vùng áp thấp này có diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm, cần chú ý theo dõi trong các bản tin cập nhật tiếp theo.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới lấn mạnh về phía Tây nên từ 14-7 đến ngày 17-7, ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to.
Trong đó các khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có mưa rất to.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh ở Nam bộ nên ngày 15-7, khu vực biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh thêm 2-3 ngày nữa. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, năm nay mùa mưa ngâu ở miền Bắc đến sớm hơn thông thường 1 tháng, trong khi hiện tại ngoài khơi xa và biển Đông đang xuất hiện dày đặc các hình thái thời tiết xấu như áp thấp, ATNĐ, bão… báo hiệu mùa mưa năm nay mưa nhiều lũ lớn.
Để chủ động ứng phó và tổ chức phối hợp trong vận hành cơ chế chỉ đạo điều hành liên hồ chứa trong tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho hệ thống các hồ chứa Hòa Bình và Sơn La (với tổng dung tích cắt lũ là 7 tỷ m3, trong đó hồ Hòa Bình là 3 tỷ m3), bảo vệ hệ thống đê điều và hạ du tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng trong tình huống mưa lũ lớn xảy ra, cũng như rút kinh nghiệm quá trình chỉ đạo vận hành liên hồ chứa, tối 14-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc diễn tập “Điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình và ứng phó đảm bảo an toàn hạ du”. Cuộc diễn tập diễn ra tại công trình nhà máy thủy điện và đập thủy điện Hòa Bình (trên sông Đà) có kết nối với đầu cầu Ban chỉ đạo Trung ương tại Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội…
Trước những diễn biến mưa lũ phức tạp, hồ Hòa Bình đã đầy nước, lũ sông lên cao, trên báo động 1 là 0,5m. Dự báo vào những ngày tới, trên toàn bộ khu vực Bắc bộ tiếp tục mưa lớn, tập trung vào ban đêm tại Sơn La, Hòa Bình với tổng lượng mưa 200 - 300mm, lưu lượng về hồ Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng lên tới 16.000m3/giây, tương tự đợt lũ xảy ra hồi tháng 10-2017 (phải mở cấp tập 8 cửa xả đáy). Mực nước hồ sẽ lên nhanh và ở mức rất cao, ngoài biển Đông xuất hiện ATNĐ có khả năng mạnh thêm thành bão đang tiến vào đồng bằng Bắc bộ, gây mưa lớn tại Tây Bắc, hệ thống đê điều ở đồng bằng sông Hồng sau nhiều năm chưa được thử thách với lũ lớn.
Sau khi nghe báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và 7 đơn vị tính toán điều hành liên hồ chứa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Nguyễn Xuân Cường lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 21 giờ 30 tối 14-7 và mở thêm 1 cửa nữa vào 9 giờ sáng 15-7, duy trì hiện trạng vận hành thủy điện Sơn La như hiện nay (mở 1 của xả đáy và phát điện tối đa). Trường hợp trên hệ thống sông Đà tiếp tục có lũ lớn sẽ xem xét sử dụng dung tích còn lại của hồ Sơn La (mực nước thượng lưu 214m, dung tích còn lại 858 triệu m3) để cắt lũ giảm tải cho hồ Hòa Bình và cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển lũ vào sông Đáy (một nhánh phân lũ, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng).
Ngay trong đêm, các lực lượng tại chỗ, bộ đội, công an, lực lượng phòng chống thiên tai tại các tỉnh từ Hòa Bình đến Hà Nội đã tổ chức thông báo tình hình xả lũ, hướng dẫn bằng loa dọc hai bên sông, thực hiện sơ tán người dân vùng có nguy cơ ngập, ven sông, di chuyển, sơ tán người và các lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn, tổ chức canh gác, tuần tra những vị trí xung yếu, tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị tại các trọng điểm đê xung yếu, sẵn sàng xử lý ngay các sự cố đê điều, đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của người dân.