Tại cuộc họp báo được tổ chức sáng nay, 27-6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 (tính đến ngày 24-6), đã có 39.000 thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, với tổng giá trị gói thầu là 260.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng là 11.000 gói thầu (chiếm tỷ lệ 28%) với tổng giá trị gói thầu là 26.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 10%). Tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn cả năm 2018 (18% và 4% tương ứng) nhưng còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu quy định tại NQ số 01 (50% và 15% tương ứng).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm triển khai chính thức, đấu thầu qua mạng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn và vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, là công cụ hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.
Tỷ lệ tiết kiệm của đấu thầu qua mạng trong ba năm qua luôn cao hơn tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu truyền thống của cả nước (năm 2016 là 9% so với 7,11% của đấu thầu truyền thống, năm 2017 là 8,2% so với 6,98% của đấu thầu truyền thống, năm 2018 là 7,15% so với 5,26% của đấu thầu truyền thống). Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu giảm bình quân khoảng 3-5 ngày, nhân sự tham gia tổ chức lựa chọn nhà thầu, thủ tục và chi phí hành chính, chi phí đi lại giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tỷ lệ đấu thầu không đạt chỉ tiêu theo lộ trình quy định, việc áp dụng đấu thầu qua mạng nhìn chung còn rất chậm, còn nhiều đơn vị trên cả nước không đảm bảo yêu cầu theo quy định (Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: số lượng 46,4% và giá trị 13,9%; Bộ, ngành: 21,3% số lượng và 2% giá trị; địa phương: 18% số lượng và 4% giá trị).
Bên cạnh đó, tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng chưa được khai thác tối đa. Cụ thể, số liệu cho thấy chỉ có khoảng 4,6% số lượng nhà thầu đã đăng ký trên Hệ thống tham gia đấu thầu qua mạng, số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu là 2,5; đặc biệt có khoảng 36% tổng số các gói thầu (chủ yếu là lĩnh vực xây lắp) chỉ có 1 nhà thầu tham gia. Đây là biểu hiện của việc lách luật, vi phạm quy định về cạnh tranh, công bằng, đồng thời lật tẩy tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu truyền thống. Đây là những biến tướng cần lưu ý ngăn chặn để đảm bảo tính cạnh tranh của đấu thầu qua mạng.
Tổng giá trị các gói thầu đấu thầu qua mạng còn chiếm tỷ trọng chưa cao so với tổng giá trị các gói thầu trên cả nước do đó chưa tận dụng được lợi ích của đấu thầu qua mạng.
Đáng lưu ý, giá trị pháp lý của văn bản điện tử giao dịch trên Hệ thống chưa được các bên liên quan nhận thức và công nhận đầy đủ. Mặc dù văn bản điện tử trên Hệ thống đã được công nhận giá trị pháp lý và làm cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm toán và giải ngân (khoản 5 Điều 85 NĐ số 63) tuy nhiên trên thực tế nhiều bên mời thầu vẫn phải chuẩn bị hồ sơ giấy để phục vụ các nghiệp vụ liên quan làm cho hiệu quả của đấu thầu qua mạng giảm đáng kể.
Thời gian tới, Bộ này cho biết sẽ đề xuất áp dụng lộ trình mới theo nguyên tắc lượng hóa được các gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng (quy định hạn mức gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng), đồng thời đưa ra chế tài cụ thể (không giải ngân) nếu không thực hiện theo quy định. Đồng thời, sẽ chủ động đưa ra chế tài mạnh mẽ đủ sức răn đe (gắn với trách nhiệm người đứng đầu và Ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị; đưa thành tiêu chí cơ bản đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua hàng năm); đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng…