Tại cuộc làm việc, ông Dennis Nobelius, Tổng Giám đốc Tập đoàn Syre cho biết, dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester là dự án thúc đẩy phát triển xanh, tuần hoàn hàng đầu thế giới. Việt Nam là điểm đến đầu tiên của tập đoàn này trên thế giới trong phát triển lĩnh vực tái chế sợi vải.

“Việt Nam đang có một nền kinh tế năng động, có ngành dệt may rất phát triển. Lâu nay, phế phẩm từ dệt may chỉ đem chôn lấp, nên dự án hứa hẹn không chỉ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cho Việt Nam mà còn có ý nghĩa cho toàn thế giới”, ông Dennis Nobelius nói.
Còn theo bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre, dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester sử dụng công nghệ tiên tiến nhất mà đơn vị mua lại từ một công ty công nghệ ở Mỹ.

Dự án có quy mô khoảng 20ha, vận hành năm 2028, công suất 250.000 tấn/năm. Dự án ứng dụng công nghệ theo tiêu chuẩn Mỹ và EU, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn; thúc đẩy chương trình phát thải ròng bằng "0" (Net Zero).
Tại cuộc làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, giới thiệu tiềm năng phát triển của tỉnh, nhấn mạnh Bình Định là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, đồng thời là điểm đến của giới tinh hoa khoa học thế giới. Tỉnh đang xây dựng khu đô thị khoa học - giáo dục tại Quy Hòa (TP Quy Nhơn), nơi từng đón gần 20 nhà khoa học đoạt giải Nobel.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester của Syre được đánh giá phù hợp định hướng phát triển xanh của tỉnh. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ và hiện chỉ còn vướng mắc về cơ chế nhập nguyên liệu nhưng sẽ sớm được các bộ ngành Trung ương tháo gỡ nhanh. Còn về năng lượng xanh và hạ tầng khu công nghiệp, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng cho dự án triển khai đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, Bình Định đang đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ các dự án lớn. Ông đề nghị chủ đầu tư giữ đúng cam kết phát triển xanh, biến dự án trở thành một biểu tượng của chuyển đổi xanh tuần hoàn trong dệt may; đồng thời bám sát mốc thời gian, đẩy nhanh thủ tục dự án để tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, tránh kéo dài qua nhiệm kỳ mới.

Ông Johan Ndisi, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết, quan hệ ngoại giao giữa hai nước rất bền chặt, Thụy Điển từng hỗ trợ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Hiện có khoảng 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn hơn 3 tỷ USD.
