Theo CNN, những người thanh lý do tòa án chỉ định sẽ quản lý công ty và bán tài sản của công ty để trả nợ. Sau khi quá trình này hoàn tất, công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc sẽ không còn tồn tại.
Ngay sau khi tòa án đưa ra phán quyết trên, cổ phiếu của Evergrande niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong rơi tự do và giao dịch cổ phiếu ngừng vào lúc 10 giờ 18 sáng 29-1 (giờ địa phương) sau khi giảm 20%. Các công ty con của Evergrande, gồm Evergrande Property Services và Evergrande New Energy Vehicle Group, cũng kêu gọi tạm dừng giao dịch để ngăn chặn tình trạng rơi tự do.
Evergrande hiện có tài sản trị giá khoảng 240 tỷ USD, nhưng tập đoàn này gánh khoản nợ tới hơn 300 tỷ USD. Năm 2021, Evergrande đã trở thành công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và vụ vỡ nợ của tập đoàn này đã trở thành trường hợp điển hình về cuộc khủng hoảng tại thị trường bất động sản Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng lây lan trong lĩnh vực bất động sản cả trong và ngoài nước.
Năm 2023, các chủ nợ đã nộp đơn kiện Evergrande tại Hong Kong, vụ kiện kéo dài trong khi các bên cố gắng đạt thỏa thuận và Evergrande chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc nợ. Đến cuối tháng 6-2023, ước tính khoản nợ của Evergrande đã lên tới 328 tỷ USD. Nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Thâm Quyến đã nộp đơn xin phá sản ở New York vào năm 2023.
Tại phiên xử sáng 29-1, Thẩm phán Linda Chan nêu rõ, Evergrande không đưa ra được kế hoạch tái cấu trúc hợp lý, dù phiên tòa đã được trì hoãn nhiều tháng. Trước đó, trong phiên xử vào tháng 12-2023, thẩm phán đã cho Evergrande thêm 2 tháng để đưa ra kế hoạch trả nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài.