Từ ngày 1-7-2024, theo quyết định số 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, các chủ tài khoản phải xác thực sinh trắc học trước khi muốn sử dụng thẻ ngân hàng hoặc các giải pháp tài chính liên quan.
Đến nay, nhiều khách hàng than phiền, dù đã tốn nhiều thời gian nhưng vẫn không thể thực hiện, bởi nhiều lý do khác nhau như không tap thành công chip gắn trên căn cước công dân (CCCD) hoặc là do không vào được ứng dụng xác thực sinh trắc học của ngân hàng, tổ chức tài chính, trong khi ra quầy thực hiện thì khâu hỗ trợ khách hàng bị quá tải …
Mặt khác, khi các khách hàng còn gặp lúng túng, các hỗ trợ vật lý chưa kịp đáp ứng … thì các hỗ trợ giả mạo của các đối tượng lừa đảo đã bắt đầu diễn ra gây thêm hoang mang cho người dùng
Sau khi theo dõi và thấu hiểu những khó khăn của khách hàng tự xác thực sinh trắc học theo hướng dẫn của các ứng dụng, như ứng dụng của Vietcombank… chỉ sau 24 giờ, đội ngũ kỹ sư của Kalapa đã thiết kế nhanh subweb có tên là “Hướng Dẫn 01 Trang” (https://nfc-guides.kalapa.vn/) để giúp khách hàng cách “tap chip NFC” của CCCD trên smartphone, tablet… trong đó tập trung cao là smartphone với 2 hệ điều hành chính là iOS (Apple) và Android (Google).
Sau khi mở giao diện của “Hướng Dẫn 01 Trang”, điều đầu tiên, khách hàng nhập tên thiết bị di động đang sử dụng cùng với hệ điều hành, nhấn vào nút “kiểm tra” để công cụ xác định vùng đọc chip NFC có tên CCCD.
Tiếp tục, khách hàng vào bên phải của subweb, đọc kỹ 2 yêu cầu: chạm chip vào vị trí quét NFC trên mặt sau của điện thoại theo hướng dẫn chọn vùng ở phần chọn smartphone, khi có tín hiệu rung, giữ nguyên thẻ cho đến khi có thông báo thành công, sau đó chọn phần hướng dẫn tương ứng với hệ điều hành để coi cách hướng dẫn “tap chip” sao cho chính xác, nhanh gọn và đúng thời gian theo thiết kế của ứng dụng xác thực sinh trắc học của từng ngân hàng hay tổ chức tín dụng.
CEO Kalapa Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết: “Hiện nay, vẫn còn nhiều người dùng chưa biết cách quét chip trên CCCD của mình nên gặp nhiều khó khăn khi tự xác thực sinh trắc học cho thẻ ngân hàng cá nhân. Bằng kinh nghiệm của công ty công nghệ chuyên làm các giải pháp cho hệ thống tài chính - ngân hàng, các kỹ sư tại Kalapa đã cung cấp công cụ hỗ trợ hướng dẫn người dùng cách hoàn thiện việc xác thực CCCD, là cách góp phần nhỏ vào việc chung của xã hội trong việc thúc đẩy số hóa, đặc biệt là ngăn chặn gian lận lừa đảo qua mạng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng”.
Được biết, công nghệ sinh trắc học mà Kalapa đang cung cấp cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng đạt tiêu chuẩn ISO 30107 iBeta level 2 do viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Hoa Kỳ công nhận, không chỉ phát hiện các hành vi gian lận mà còn cung cấp các tính năng tùy chỉnh theo yêu cầu của từng ngân hàng liên quan phòng chống gian lận trong giao dịch tài chính trực tuyến.
"Hiện Kalapa ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn để theo dõi và phân tích hàng triệu giao dịch trong thời gian thực, phát hiện ra các mẫu gian lận, ứng dụng AI và học máy để phát hiện các mẫu gian lận phức tạp, sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra các giao dịch minh bạch giúp giảm thiểu gian lận và các phương pháp sinh trắc học như dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt, nhận diện giọng nói để xác thực chính danh người dùng nên được nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy đặt hàng nhiều ứng dụng, công cụ lõi", CTO Kalapa Đỗ Ngọc Thiện cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết thêm: “Kalapa đã cải tiến công nghệ hỗ trợ người dùng dễ dàng tìm được vị trí quét chip NFC trên smartphone, tăng tốc độ quét khuôn mặt để giảm thời gian hoàn thành xác thực sinh trắc học tối đa là 2 giây”.
Kalapa là công ty công nghệ chuyên về các giải pháp cho hệ thống tài chính - ngân hàng, đã có 5 năm nghiên cứu công nghệ để phát triển sản phẩm eKYC (xác thực định danh). Hiện nhiều ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ tài chính đã liên hệ với Kalapa cùng trao đổi và hỗ trợ các giải pháp công nghệ như thiết kế ứng dụng xác thực CCCD gắn chip kèm theo dịch vụ xác thực sinh trắc học: nhận diện và xác thực khuôn mặt theo đúng với cơ sở dữ liệu về dân cư của bộ Công an.