Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết, tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị của thành phố khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, theo thống kê của MAUR, nguồn vốn huy động theo hình thức ODA cho các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại TPHCM (bao gồm các dự án đang triển khai và sẽ triển khai trong tương lai gần) khoảng 6 tỷ USD, mới đạt khoảng 25% so với tổng mức đầu tư ước tính.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, trên thế giới không có quốc gia nào xây dựng một dự án đường sắt đô thị chỉ phụ thuộc vào vốn ODA vay nước ngoài và không có thành phố nào chỉ sử dụng ngân sách để làm, bù lỗ, trợ giá cho đường sắt đô thị. Tất cả đều phải khai thác quỹ đất, mặt bằng của hệ sinh thái đường sắt, đất đai xung quanh các ga đường sắt.
Theo Sở GTVT TPHCM, kinh nghiệm phát triển của các đô thị lớn trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), London (Anh), Singapore… cho thấy, phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với khai thác quỹ đất là giải pháp căn cơ và dài hạn, nhất là tạo nguồn lực đầu tư để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Phát triển mô hình TOD với mục tiêu lấy định hướng phát triển hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò chủ lực làm cơ sở phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Mô hình TOD sẽ khuyến khích tư nhân tham gia vào quá trình phát triển đô thị ở những khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị, phù hợp với bối cảnh hiện tại của TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố sẽ thí điểm phát triển đô thị theo định hướng TOD, tập trung vào hệ thống đường sắt đô thị như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Nghĩa là tận dụng tối đa đất và không gian tại các nhà ga metro đầu mối để phát triển đô thị nhằm phát huy giá trị của quỹ đất xung quanh các khu vực nhà ga.
“Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông. TOD còn làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị. Thành phố có thể cho đấu giá hệ số sử dụng đất tăng thêm, tạo nguồn thu bù đắp cho đầu tư phát triển đường sắt đô thị”, ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.
Theo MAUR, về kế hoạch khai thác quỹ đất dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), có 11 đồ án quy hoạch riêng. Sở QH-KT TPHCM đề xuất rà soát, hoàn tất thủ tục pháp lý về đăng ký danh mục, thẩm định và trình duyệt tổng dự toán. Đối với các khu vực xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), hiện có 10 đồ án thiết kế đô thị riêng.
Trong đó, có 4 đồ án thiết kế đô thị đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn thực hiện; 2 đồ án (ga Tao Đàn và ga Bảy Hiền) đã chấp thuận danh mục chờ ghi vốn triển khai; 1 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh nhà ga Phạm Văn Hai đang triển khai thực hiện bước nhiệm vụ và 3 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh ga Lê Thị Riêng, Dân Chủ và Hòa Hưng đang triển khai đấu thầu lựa chọn tư vấn. Ngoài ra, một số khu vực liên quan đến nhà ga các tuyến metro khác đang xúc tiến đầu tư cũng đã được UBND TPHCM chấp thuận danh mục triển khai…
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, UBND TPHCM cũng đã xây dựng và thông qua đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố”. Theo đó, việc thu hồi đất hai bên công trình hạ tầng để đấu giá và dùng làm quỹ đất xây nhà tái định cư cho người dân bị thu hồi đất là nội dung đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Điều này giúp tăng sự minh bạch, thu hút doanh nghiệp tham gia cũng như tăng nguồn thu ngân sách, góp phần vào chỉnh trang đô thị thành phố. Mặt khác, TOD được nhiều chuyên gia giao thông đô thị đánh giá là chìa khóa cũng như nguồn tài chính khổng lồ để phát triển và chỉnh trang đô thị trên cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Sở QH-KT TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh nhà ga các tuyến metro nhằm khai thác quỹ đất. Theo đó, TPHCM có tất cả 34 khu vực đã được đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị riêng tỷ lệ 1/500, trong đó có 9 đồ án đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn và đang thực hiện, 10 đồ án đã được chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn thực hiện và 15 đồ án mới được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương.
Nhiều dự án hạ tầng sẽ được khởi động lại
Theo Sở GTVT TPHCM, nhiều dự án hạ tầng giao thông sẽ được khởi động lại nhờ cơ chế mới từ Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo đó, dự kiến sẽ có các dự án sau:
Dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức lên 40-60m, kinh phí ước tính gần 12.200 tỷ đồng; quốc lộ 1A đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An, mở rộng lên 52m, tổng vốn gần 12.900 tỷ đồng; quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến đường Vành đai 3 - TPHCM, mở rộng lên gần 40m, xây 2 cầu vượt, kinh phí 1.200 tỷ đồng.
Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam, nối ra đường Vành đai 3 - TPHCM dài 9,7km, tổng vốn 13.837 tỷ đồng. Mở rộng trục Bắc - Nam từ đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước dài gần 27km, làn đường lên 40-60m, tổng vốn 54.200 tỷ đồng. Đầu tư đường song hành quốc lộ 50 dài 5,8km, rộng 40m, kinh phí hơn 3.800 tỷ đồng.
Cũng theo Sở GTVT, giai đoạn 2005-2020, xã hội hóa đã từng thu hút sự tham gia tích cực từ các nhà đầu tư và TPHCM triển khai hiệu quả 22 dự án lớn với tổng vốn đầu tư 51.040 tỷ đồng.
TÂM ĐỨC