Thiếu đầu ra ổn định
Theo thống kê của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, hiện vùng đang có trên 1.000 sản phẩm OCOP và các sản phẩm này tiếp tục tăng lên bởi theo kế hoạch, trong năm nay các tỉnh trong vùng sẽ công nhận thêm nhiều sản phẩm OCOP 3-4 sao.
Trong số các tỉnh phát triển OCOP, Đồng Tháp được đánh giá là rầm rộ nhất khi đang có 265 sản phẩm OCOP, với 61 sản phẩm 4 sao và 204 sản phẩm 3 sao. Trong đó, 4 sản phẩm 4 sao đã trình hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Kế đến là Cà Mau có 77 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và năm 2022, có 62 sản phẩm mới đã đăng ký để được chứng nhận OCOP. Tại TP Cần Thơ, theo Sở Công thương TP Cần Thơ, địa phương này đang có 41 sản phẩm OCOP và đang tiếp tục kế hoạch công nhận nhiều sản phẩm khác trong năm 2022.
Phát triển rầm rộ là vậy nhưng theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nhiều sản phẩm làm ra vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng. Nguyên nhân do sản phẩm chưa có chiều sâu và còn mang tính chất phong trào. Chưa kể, OCOP chỉ là sản phẩm địa phương của người nông dân, HTX nên thiếu tiềm lực để quảng bá, xây dựng mẫu mã bao bì đẹp.
Từ góc độ nhà phân phối, đại diện bộ phận thu mua của Saigon Co.op cho biết, rất nhiều sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đại trà, dẫn tới việc không có đặc trưng riêng. Một số sản phẩm có chất lượng tốt nhưng mẫu mã, bao bì đóng gói khá nhạt nhòa, không tạo được sức hút với người tiêu dùng.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi nhiều cơ sở, HTX sau chứng nhận vẫn loay hoay tìm thị trường tiêu thụ và câu chuyện của HTX Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một ví dụ điển hình. Theo đó, sau khi đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao và được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, HTX này kỳ vọng sản phẩm sẽ vươn xa. Thế nhưng, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ nội địa, thậm chí vụ mùa năm 2021 còn phải bù lỗ vì bí đầu ra.
Để sản phẩm OCOP có vị trí vững chắc
Xác định những hạn chế trong phát triển OCOP, nhiều địa phương đang tăng cường hỗ trợ các chủ thể trong cải tiến quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì nhãn mác, tạo sức hấp dẫn riêng cho sản phẩm gắn với lợi thế từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nâng chất các sản phẩm OCOP giai đoạn 2019-2020, giúp chủ cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với việc phát triển sản phẩm ra thị trường bằng chương trình hỗ trợ về nhãn mác, hàng hóa, các thiết bị phục vụ quá trình sản xuất. Còn tại Hậu Giang, theo ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, sở đã xây dựng chương trình hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến, kết nối sản phẩm OCOP với siêu thị, nhà phân phối trên cả nước. Qua đó sẽ tạo đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm OCOP.
Ngoài các hoạt động nói trên, các địa phương khu vực ĐBSCL còn tăng cường tổ chức nhiều diễn đàn, hội chợ để kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Điển hình như Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL tổ chức cuối tháng 4 vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội cho hơn 200 doanh nghiệp với 34 biên bản thương mại được ký kết, 1.270 sản phẩm được kết nối tiêu thụ.