* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về số lượng và chất lượng các công trình, dự án tham gia giải thưởng VinFuture lần thứ nhất?
* GS RICHARD HENRY FRIEND: Ban đầu, chúng tôi nghĩ có khoảng 200 đề cử là tốt lắm rồi, nhưng tổng hồ sơ ứng cử cuối cùng nhiều hơn. Các công trình, dự án tham dự giải đều đạt cả mặt số lượng và chất lượng khoa học, vượt xa hơn tiêu chí đưa ra đề cử các dự án. Trong số hơn 1.200 đăng ký với 599 dự án, công trình tranh giải, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong tốp 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới.
Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Tang Prize, Japan Prize...
Để có được điều đó trong lần đầu tiên tổ chức, trong khoảng 1 năm, Quỹ VinFuture cùng các bạn Việt Nam và các nhà khoa học trên thế giới đã phải nỗ lực rất lớn. Các đề cử giải thưởng lần này đã vượt xa mức đề cử của nhiều giải thưởng danh tiếng khác.
* Những công trình đoạt giải VinFuture lần thứ nhất nói lên điều gì, thưa ông?
* Ứng dụng sáng tạo thường mất thời gian hơn so với những ứng dụng tức thời. VinFuture đã vinh danh các công trình trong các lĩnh vực ứng dụng phát triển nhanh chóng trên toàn cầu.
Chúng ta thấy các bệnh truyền nhiễm là mối đe dọa với toàn cầu và chúng ta có vaccine rất nhanh là điều trước đây chưa từng có nhờ công nghệ mới sớm được ứng dụng. Hay biến đổi khí toàn cầu đòi hỏi các quốc gia cùng chung tay để giảm phát thải carbon vào 2050… Mặc dù thế giới phải đối mặt với các thách thức toàn cầu, nhưng chúng ta có nhiều cơ sở để lạc quan, nhờ những tiến bộ của khoa học - công nghệ (KH-CN).
VinFuture đã giải quyết hai vấn đề lớn là “trau dồi và nuôi dưỡng sự đổi mới”. Thông qua việc nâng cao nhận thức về những đột phá trong KH-CN, chúng ta có thể phá bỏ các rào cản, tạo sự chú ý cho những phát triển mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.
Điều này có thể hiểu rằng, việc ghi nhận những thành tựu khoa học tại các giải thưởng như VinFuture sẽ giúp thúc đẩy sự đa dạng trong cộng đồng khoa học và mở rộng cơ hội tiếp cận của nhiều đối tượng trong ngành KH-CN.
* Có mặt ở Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức giải thưởng VinFuture?
* Đây là một hoạt động ý nghĩa không chỉ đối với người trong ngành KH-CN mà còn trên toàn thế giới. Một sự kiện lớn tầm quốc tế lần đầu diễn ra, với tham vọng lớn lao và thông điệp ý nghĩa đến từ một quốc gia đang phát triển, không phải phải ở đỉnh cao của KH-CN.
VinFuture là thông điệp mạnh mẽ về thế giới của chúng ta là phẳng. Giáo dục và đào tạo là cơ hội cho mọi người toàn thế giới. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, với giáo dục và đam mê khoa học đã lay động thế giới. Chúng ta thực sự cần nhìn vào VinFuture với sự chào đón, niềm lạc quan với những sáng kiến tuyệt vời.
Sự tò mò là khởi đầu hành trình khoa học, là một trong các đặc tính căn bản trong con người. Từ tinh thần chung đó, mỗi người quan tâm tò mò khác nhau. Khoa học trong mắt mọi người là tháp ngà. Đó là lịch sử. Còn bây giờ, khoa học không phải là vấn đề trừu tượng mà là cái sát sườn, gắn với giáo dục, với cơ hội đặt ra cho nhà nghiên cứu trẻ.
Chúng ta cần quan sát một cách khách quan nhất, không quy chụp, để khám phá thế giới. Đó là tư tưởng truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Không chỉ người làm khoa học, mà ai cũng có thể làm được.
* Ông có lời khuyên gì để các nhà khoa học không ngừng “tò mò đặt câu hỏi và mơ ước”, cũng như vững tin vào hành trình của mình?
* Tôi đã nghe và biết về những khó khăn của nhà khoa học Việt Nam. Cái lớn nhất tôi thấy là chưa có cộng đồng nhà khoa học trẻ. Chắc chắn chúng ta cần các diễn đàn cùng khám phá, tạo văn hóa “Can do - Tôi có thể làm được”. Không chỉ lĩnh vực khoa học mà lĩnh vực khác nữa. Nhiều trường đại học (ĐH) lớn, để phát triển số lượng doanh nghiệp chất lượng thì cần phải xây dựng các cấu phần là nhân tài được truyền cảm hứng và trao quyền, không ngừng tìm hiểu.
Khi nhìn vào hệ sinh thái các trường ĐH, viện nghiên cứu lớn của Mỹ, Anh hay nhiều nơi để xem khi học đạt tới trình độ phát triển đỉnh cao, thì các sinh viên tương tác ra sao? Ở đó, họ tự tương tác với nhau không cần ai bảo. Các em là những người tư duy thoải mái, không bị phán xét thành công phải là thế này, thế kia.
Các nhà khoa học không chỉ ngồi trong ghế nhà trường, viện nghiên cứu, mà vươn ra lập doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm dịch vụ giải quyết được vấn đề thế giới. Điều đó tự nhiên không ai bảo cả. Thế nên, tôi cho rằng, cần xây dựng văn hóa tôn trọng giáo dục đào tạo, chứ không chỉ học vẹt lý thuyết. Chúng ta phải khuyến khích sinh viên vươn ra hơn nữa, tạo tự do để các em đi theo định hướng...
Sir Richard Henry Friend hiện là GS Vật lý tại ĐH Cambridge (Anh), Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc ĐH Cambridge. Ông cũng là GS danh dự tại ĐH quốc gia Singapore, và là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khoa học của Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF) Singapore. |