Ngày 8-2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5, thẩm tra Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo phiên họp.
Thay mặt Ban soạn thảo trình bày Tờ trình, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định được thực hiện trên cơ sở nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) trình bày Tờ trình |
“Việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân là tiền đề quan trọng để triển khai, đúc rút và nghiên cứu, xây dựng thành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”, đại diện Bộ Công an nêu rõ.
Theo ông, dự thảo đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật; phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta hiện nay và hài hòa với quy định, pháp luật, kinh nghiệm của thế giới.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương với 44 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; áp dụng nghị định, các luật liên quan và điều ước quốc tế…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, đây là nghị định rất quan trọng, không chỉ liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của từng công dân mà còn liên quan đến công tác quản lý con người, quản lý xã hội và tác động đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia.
Pháp luật hiện hành đã có quy định về thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân trong một số văn bản luật, nhưng mới chỉ dừng lại ở những quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin này và chưa quy định cụ thể khái niệm dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quang cảnh phiên họp |
Cho ý kiến về vấn đề này, đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí cần có biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân tương xứng, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin - dữ liệu cá nhân, nhất là trên không gian mạng, trở thành nguồn tài nguyên giá trị mà các loại tội phạm, đối tượng xấu có thể thu thập, mua bán, sử dụng để thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật.
Các ý kiến cũng bày tỏ quan tâm đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; về xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; về hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới, nhiều nội dung chưa qua kiểm nghiệm thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, có báo cáo giải trình các ý kiến được thành viên Ủy ban đặt ra tại phiên họp. Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới, dự kiến khai mạc ngày 10-2.