Đặc biệt, các ngành sữa, đồ uống có cồn, hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu sẽ tăng trên mức 11%. Hiện lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP, và tốc độ tăng trưởng toàn ngành chế biến lương thực thực phẩm luôn duy trì mức hơn 10%.
Tăng trưởng ở mức 2 con số
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm Việt Nam đang hấp dẫn khá nhiều nhà đầu tư ngoại. Bà Ngô Đặng Bảo Trâm, Quản lý cấp cao Neilsen Việt Nam, phân tích do Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do, nâng số lượng thị trường ưu đãi nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lên 55 quốc gia.
Ưu điểm lớn nhất với doanh nghiệp đầu tư là chi phí sản xuất tại Việt Nam cạnh tranh hơn, bởi nhân công hiện đang thấp hơn so với các nước châu Á khác.
Lực lượng lao động trẻ dưới 25 tuổi chiếm 40% trên tổng dân số, lại sành công nghệ và đang tăng trưởng nhanh. Chính phủ thực hiện thành công nhiều giải pháp ổn định tăng trưởng và duy trì ở mức 6,2% đến năm 2022; kết hợp với đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng ở quy mô lớn, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Sản xuất sữa tươi sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới. Ảnh: Cao Thăng
Một số ngành như sữa, bánh kẹo, dầu thực vật và nước giải khát có mức tăng trưởng cao hơn những ngành khác, do nhu cầu thị trường tăng cao. Cụ thể, năm 2020, đối với ngành sữa, nhu cầu sữa quy ra sữa tươi được dự báo tăng và đạt mức 27 - 28 lít/người/năm.
Ngành sản xuất bánh kẹo, mức tiêu thụ sẽ tăng 10%/năm, so với các nước trong khu vực chỉ đạt 3%/năm và trên thế giới đạt 1% - 1,5%/năm. Còn ngành sản xuất dầu thực vật sẽ đạt mức 17 lít/người/năm (mức hiện tại là 12 lít/người/năm). Riêng sản xuất nước giải khát được đánh giá có tiềm năng cao nhất, khi tăng từ mức 4,8 tỷ lít lên 6,8 tỷ lít/năm.
Hiện tại, đang có nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm trong và ngoài nước đổ bộ đầu tư cũng như mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, 227 công ty lớn đã có mặt tại Việt Nam và 56% trong số đó cho biết có dự định mở rộng việc kinh doanh tại tốp 3 thị trường ưu tiên là Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.
Không chỉ vậy, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016, tổng vốn FDI đạt mức 24,4 tỷ USD, nhưng chỉ trong 10 tháng năm 2017, vốn FDI đã đạt mức 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, dẫn đầu là vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm gần 60%.
Cơ hội kép cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để gia tăng giá trị nông sản, tăng các sản phẩm đã qua chế biến, cơ quan chức năng cần phải có chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, thực phẩm. Nhất thiết phải định vị thương hiệu sản phẩm, nông sản tại thị trường trong và ngoài nước.
Tính đến nay, giá trị thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam chỉ mới đạt 203 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia… ở mức trên 400 tỷ USD. Chưa kể, phần lớn giá trị thương hiệu Việt Nam lại thuộc về tập đoàn truyền thông, điện tử và rất ít thương hiệu có giá trị của ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, bà Đỗ Tuyết Mai, Cục Chế biến (Bộ NN-PTNT), cho biết bộ đang phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng chương trình phát triển sản phẩm thương hiệu quốc gia, từng bước nâng cao thương hiệu nông sản Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo đó, những mặt hàng có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm sẽ được hỗ trợ trực tiếp hoàn thiện chứng nhận sản phẩm quốc gia. Với những sản phẩm được đánh giá tiềm năng, có tính đặc trưng vùng miền, sẽ kết hợp với địa phương để hỗ trợ xây dựng thương hiệu địa phương kết hợp chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, bộ kết hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động tháo gỡ rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu để tăng sản lượng xuất khẩu cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Một giải pháp quan trọng khác là bộ đang thực hiện khảo sát, nghiên cứu nhu cầu cung ứng nguyên liệu trên thị trường làm cơ sở phát triển vùng nguyên liệu. Song song đó, kết hợp với thu hút đầu tư nhà máy chế biến lương thực thực phẩm công nghệ cao, chế biến sâu, phù hợp ngành hàng và nông sản của các địa phương. Những doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực này sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ đặc biệt về thuế, đất đai...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Tập đoàn Pan, cho rằng ngoài những chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, thị trường, giảm thuế và giá thuê đất, các cơ quan chức năng cần phải tính đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Có như vậy mới tận dụng lợi thế đa dạng nguồn nguyên liệu nông sản thực phẩm, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành và quan trọng là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản, thực phẩm mang thương hiệu Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước.