Tạo thuận lợi vận chuyển nông sản về TPHCM

Trước tình hình vận chuyển hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành phía Nam về TPHCM gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo các địa phương và ngành giao thông vận tải đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Các tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ đang rà soát lại luồng xanh (luồng đến, luồng đi và luồng đi qua), nếu quá tải thì trao đổi với nhau để giải tỏa ách tắc, ùn ứ.

Lập đội vận tải xanh

Ngày 15-7, ghi nhận tại chốt kiểm soát Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trên tuyến cao tốc Trung Lương - TPHCM), tài xế khi đi về hoặc qua địa phương chỉ cần xuất trình giấy test nhanh âm tính, cùng một số giấy tờ liên quan và tuân thủ 5K là sẽ qua chốt, nên không còn kẹt xe.

Theo CSGT ở Trạm Trung Lương (Tiền Giang), đối với những tài xế thiếu giấy test nhanh, cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho tài xế đỗ xe và thực hiện test nhanh tại cơ sở y tế gần nhất, để có thể tiếp tục hành trình.

Tài xế Nguyễn Minh Tấn (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Tôi thường xuyên chở rau củ quả lên TPHCM. Mỗi tuần tôi phải đi test nhanh 2 lần, thời gian dịch bệnh khó khăn nhưng ráng giữ cái nghề để có đồng lương lo cho gia đình chứ đi đường vất vả lắm, không dám dừng đỗ”. 

Tại bãi xe Bắc Nam (xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Tạo, chủ bãi xe, cho biết tất cả tài xế của bãi xe phải test nhanh mới được chở hàng, chi phí chủ xe chịu. Tuy nhiên, do tài xế đi đường dài nên phải thực hiện test ở nhiều tỉnh dọc đường, vì thời hạn trên giấy chỉ có 3 ngày. 

Tạo thuận lợi vận chuyển nông sản về TPHCM ảnh 1 Kiểm tra các xe tải vận chuyển hàng hóa qua chốt Thân Cửu Nghĩa, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGỌC PHÚC

Tỉnh Long An cũng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra vào địa bàn tỉnh và đi ngang qua tỉnh. Tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở huyện Bến Lức, lực lượng chức năng kiểm tra giấy test nhanh hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính, đồng thời các phương tiện phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh chở hàng hóa thiết yếu. Nếu xe vào địa bàn Long An thì sẽ theo hướng quốc lộ 1; còn chở hàng hóa về Tiền Giang hay các tỉnh ĐBSCL thì theo hướng cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện các xe hàng từ vùng dịch về đây và muốn vào trung tâm TP Cần Thơ thì sẽ được tập kết tại Bến xe Trung tâm. Tại đây, tất cả các xe tải vận chuyển hàng hóa sẽ được phun khử khuẩn, còn tài xế sẽ phải xét nghiệm Covid-19. ”.

Ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm, Sở GTVT TP Cần Thơ đã chủ động thành lập “Đội vận tải xanh” để hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa ở TP Cần Thơ trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Ngoài ra, TP Cần Thơ đang triển khai tạo luồng xanh ưu tiên cho phương tiện vận chuyển đã có mã code QR (thẻ nhận diện phương tiện) được đi qua các chốt kiểm soát trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, các chốt vào thành phố đã chấp nhận kết quả test nhanh Covid-19 có hiệu lực trong 3 ngày và không bắt buộc lái xe phải cách ly hoặc đổi lái.

Khép kín vòng quay của lái xe

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, những ngày qua lượng hàng hóa vận chuyển đi tiêu thụ tại TPHCM và các tỉnh ổn định, khoảng 4.000 tấn/ngày. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, lượng rau củ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện rất dồi dào, nhưng việc khó khăn vì điểm tập kết, kho bãi tại các khu vực bị cách ly hay chợ đầu mối đóng cửa khiến nhiều vựa tại Lâm Đồng phải thu hẹp lượng thu mua nông sản hoặc phải chuyển hướng sang các thị trường khác. 

Riêng những đơn vị tại Lâm Đồng cung cấp theo chuỗi siêu thị, tổng kho cho TPHCM liên tục tăng lượng hàng gửi đi. Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào (TP Đà Lạt), cho biết: “Sản lượng thu mua của đơn vị liên tục tăng những ngày gần đây do nhu cầu tăng cao từ TPHCM. Trước kia trung bình đơn vị xuất đi 10-20 tấn/ngày, khoảng 1 tuần trước tăng lên 50 tấn/ngày. Nhưng 2 ngày gần đây, HTX tăng số lượng lên gần 300 tấn/ngày theo giá bình ổn để cung cấp cho chuỗi siêu thị tại TPHCM”. Nhằm đáp ứng lượng rau củ tăng đột biến, HTX Anh Đào đã huy động toàn bộ nhân lực để chuỗi sản xuất, vận chuyển không bị gián đoạn. 

Tạo thuận lợi vận chuyển nông sản về TPHCM ảnh 2 Rau củ quả Lâm Đồng được phân loại, xếp lên xe đưa đi tiêu thụ tại TPHCM. Ảnh: ĐOÀN KIÊN 

Hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp lái xe khi vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa nắm rõ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa nên khi vào làm thủ tục tại các chốt kiểm soát đã xảy ra ùn ứ ở một số thời điểm. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng, theo quy định về vận chuyển hàng hóa khi ra vào tỉnh (áp dụng từ ngày 5-7-2021), các lái xe vận chuyển hàng hóa phải mang theo giấy vận chuyển và các chứng từ liên quan đến hàng hóa; cập nhật lịch trình, điểm dừng nghỉ, xếp dỡ hàng hóa và nhật ký tiếp xúc theo mẫu tờ khai đính kèm.

Anh Lê Hiệp (ngụ TP Đà Lạt) chia sẻ: “Hơn 2 tuần nay tôi chạy liên tục tuyến Đơn Dương đi Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, với mỗi tỉnh đi qua đều phải xuất trình các loại giấy lưu thông như tại Lâm Đồng. Mọi hoạt động hiện phải khép kín trong khuôn viên khu vực nhà xe hoặc ăn ngủ ngay trên xe”. 

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Do nhiều lái xe vẫn chưa kịp cập nhật các quy định của tỉnh, ngành giao thông trong vận chuyển hàng hóa, nên 3 ngày qua, sở phát hành 10.000 tờ rơi hướng dẫn quy định tại các chốt cửa ngõ ra vào tỉnh Lâm Đồng.

Sở cũng yêu cầu các lái xe trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải xét nghiệm Covid-19 tại  địa phương để khi qua các địa phương khác không phải tìm địa chỉ xét nghiệm. Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các nhà xe, tài xế phải kê khai trước hành trình từ Lâm Đồng xuống TPHCM và ngược lại, trong quá trình lưu thông cần thiết sẽ bổ sung để tránh ùn ứ tại các trạm kiểm soát.

Ngày 15-7, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, sở vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Y tế TPHCM, các hiệp hội vận tải trên địa bàn thành phố, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô… ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, tham gia phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, nông sản (bao gồm lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe).

Tại tỉnh Đồng Nai, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 và lưu thông hàng hóa, nhất là qua quốc lộ 1A thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Kiên, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, thành viên trực tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A, cho biết, tài xế mất không nhiều thời gian khi qua trạm, chỉ xuất trình giấy tờ như giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, khai báo y tế (làm sẵn) và đo thân nhiệt... là có thể tiếp tục hành trình nên không xảy ra tình trạng ách tắc, ùn ứ. Đối với một số giấy xét nghiệm sắp hết hạn, tài xế sẽ được hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để làm lại xét nghiệm, sau đó tiếp tục hành trình. 


Thông tin từ cuộc họp giao ban trực tuyến chiều 15-7 giữa Bộ GTVT và các địa phương đang tổ chức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho biết, trong ngày 15-7, các tuyến đường đã cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Hiện các tỉnh thành phía Nam đã lập 72 chốt kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, tính đến 16 giờ ngày 15-7, đã có thêm 6 địa phương (Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Bình Dương, Bình Phước) có báo cáo phương án tổ chức giao thông cho phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trong tỉnh. Tổng cục ĐBVN cũng đã thống kê vị trí 19 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ phía Nam có khả năng tổ chức dừng đậu, xét nghiệm y tế cho lái xe.

Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh Long An, Tiền Giang thí điểm tổ chức lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại km28+200 nằm bên phải và bên trái tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, trạm dừng nghỉ Minh Phát 2 tại QL1A (huyện Cái Bè) hướng từ TPHCM về cầu Mỹ Thuận và trạm dừng nghỉ Phương Trang tại QL1A (huyện Cái Bè) hướng từ cầu Mỹ Thuận về TPHCM. Các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các trạm dừng nghỉ này sẽ đưa vào hoạt động từ ngày 17-7.


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương lập tổ công tác giữa các sở: GTVT, Công thương, NN-PTNT… để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa. Khi địa phương công bố “luồng xanh”, phải tính toán đấu nối với luồng liên tỉnh, liên vùng, quốc gia. Bộ Y tế hiện đã công bố hiệu lực giấy xét nghiệm theo phương pháp test nhanh và RT-PCR đều chỉ có giá trị trong 72 giờ.

Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện cho lái xe hoạt động. Đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bộ GTVT sớm nghiên cứu, nâng cấp kết nối dữ liệu về các thông tin liên quan đến kết quả xét nghiệm còn hiệu lực, tiêm chủng, phương tiện, lộ trình di chuyển, lái xe… để dễ dàng kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tham gia giao thông.

Tin cùng chuyên mục