Quan tâm đến nhu cầu của con
Dẫn con đi một vòng Đường sách TPHCM, chị Thùy Chi (ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) bối rối: “Bé nhà chị mới biết đọc, giờ chị đang không biết chọn sách thế nào cho phù hợp vì nơi đây có nhiều loại sách quá!”. Nhìn những cô bé, cậu bé ngoan ngoãn ngồi ở ghế đá chăm chú đọc sách, gần đó bố mẹ đang vừa ngồi cà phê vừa trông chừng, chị Chi nói: “Chẳng biết bao giờ con chị mới được như vậy?”.
Tâm trạng của chị Thùy Chi cũng chính là tâm trạng chung của nhiều bậc cha mẹ khi bắt đầu cho con làm quen với việc đọc sách. Là phụ huynh của một bé trai 5 tuổi, anh Dương Quốc Tuấn (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) cho rằng, không ai hiểu con bằng chính bố mẹ. Khi chọn sách cho con, phụ huynh cần căn cứ vào những yếu tố cơ bản về độ tuổi, giới tính, sở thích, sự quan tâm của con dành cho một lĩnh vực hay nội dung nào đó.
Cũng theo anh Tuấn, một trong những việc quan trọng trong hành trình tạo lập thói quen đọc sách cho con chính là tương tác cùng con. Theo đó, bố mẹ nên đọc sách trước để có thể xem nội dung câu chuyện và chuẩn bị cho việc đọc hấp dẫn hơn. Ngoài ra, thay vì chỉ đọc, bố mẹ có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể hoặc vật dụng khác để tăng tương tác với con. Khi đọc sách, bố mẹ nên thiết lập không gian đọc mà trẻ cảm thấy thoải mái nhất, có thể đọc trong lều hay trùm chăn rồi cùng đọc. Điều này giúp việc đọc của con trở nên vui vẻ, thoải mái hơn.
“Sau khi đọc sách cùng con, bố mẹ nên hỏi lại một phần nội dung, những đoạn con thích, đóng vai, thể hiện một số lời thoại, động tác của nhân vật..., để từ đó con được thể hiện cảm xúc, ý kiến của mình về cuốn sách vừa đọc”, anh Tuấn nói.
Không nên đặt kỳ vọng quá nhiều
Mặc dù mới 10 tuổi, nhưng bé Tuấn Minh, con trai của vợ chồng chị Thúy Nga (ngụ quận 10, TPHCM) đã hoàn toàn chủ động trong việc đọc sách. Thậm chí, cậu bé còn đọc những tác phẩm văn học kinh điển và nổi tiếng như: Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất, Don Quixote, Ông già Khottabych, Những người khốn khổ, Túp lều bác Tom… Đây là điều mà nhiều phụ huynh mong ước, chờ đợi ở con mình. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà vợ chồng chị Nga làm được việc này.
Chị Thúy Nga kể, ban đầu vợ chồng chị cũng đánh vật với cậu con trai, bởi vì giống như những đứa trẻ khác, Tuấn Minh thích xem tivi và chơi game. Mỗi lần bố mẹ kêu vào bàn đọc sách, cậu bé phụng phịu, mặt nhăn mày nhó; có hôm đang đọc sách giữa chừng thì bỏ ngang vì “mệt và chán”. “Vợ chồng tôi thừa biết là con muốn chơi game, nhưng lúc đó quả thực không biết làm thế nào cả”, chị Nga chia sẻ.
Nhiều lần như vậy, cuối cùng vợ chồng chị Nga quyết định phải thay đổi từ chính mình. Thay vì cấm thì vợ chồng chị cho phép con xem tivi hoặc chơi game, nhưng với điều kiện phải đọc xong sách. Để Tuấn Minh không “mệt và chán”, chị Nga “cấp” cho con một khoảng thời gian nhất định để con đọc sách. Dần dần, thời gian này được vợ chồng chị nâng lên. Cho đến khi con đã trở thành “mọt sách” thực thụ thì vợ chồng chị Nga chỉ có việc mua sách theo yêu cầu của con.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Thúy Nga cho biết: “Nhiều phụ huynh nghĩ rằng xem tivi hay chơi game là xấu, chỉ có đọc sách mới là tốt. Tuy nhiên, xem tivi, chơi game hay đọc sách cũng đều là những hoạt động giải trí và có thể giúp con thu nhận kiến thức. Phụ huynh không nên quá cực đoan, phủ nhận những lợi ích mà các phương tiện nghe nhìn giúp làm phong phú thêm đời sống tinh thần của trẻ. Thay vì cấm, phụ huynh nên dung hòa giữa việc đọc sách với các hoạt động khác của con”.
Khi con trẻ tìm đến với sách không chỉ giúp con có một phương tiện giải trí và làm giàu vốn kiến thức, mà sách còn là phương tiện vô cùng hữu ích để bố mẹ tiếp cận và giao tiếp cùng con. Qua đó có thể thiết lập một mối giao lưu tình cảm quan trọng, giúp bố mẹ và con cái có thể hiểu nhau, đồng hành với nhau trong cuộc đời.