Đây được xem là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Hàn Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.
Tại triển lãm, hơn 300 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đưa ra rất nhiều nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần doanh nghiệp Việt Nam cung ứng như trang thiết bị phụ tùng cho hệ thống tự động hóa; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; máy và dụng cụ gia công kim loại; thiết bị trong nhà máy và thiết bị điện; phụ kiện, vật liệu công nghiệp… Đại diện Hiệp hội Công nghiệp máy móc Hàn Quốc khẳng định, doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất cao nội lực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam.
Qua khảo sát và tìm hiểu tình hình sản xuất của doanh nghiệp Việt cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vào nhiều thị trường phát triển như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Canada… Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam còn có khả năng đáp ứng các đơn hàng cung ứng lớn từ vài chục triệu USD đến vào trăm triệu USD. Riêng với doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có nhiều doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng như các công ty: Minh Nguyên, Asanzo, Minh Mẫn, Việt Nhật... Cá biệt, có 29 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn Samsung.
Ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM khẳng định: “Dựa trên những tiêu chuẩn, thông tin sản phẩm cần cung ứng mà doanh nghiệp Hàn Quốc đặt ra tại hội nghị kết nối cung cầu lần này, tôi có thể khẳng định không khó với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Vấn đề quan ngại là khả năng cạnh tranh về giá thành của sản phẩm giữa doanh nghiệp cung ứng với doanh nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc”. |
Trên thực tế, doanh nghiệp Việt rất khó đảm bảo mức giá bằng hoặc thấp hơn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do doanh nghiệp Hàn Quốc cung ứng. Bởi phần lớn nguồn nguyên liệu, trang thiết bị sản xuất của doanh nghiệp trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu. Tùy vào nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu thuộc quốc gia nào mà mức thuế nhập khẩu doanh nghiệp nội phải chịu có thể giao động từ 5% - 15%.
Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu lại được hưởng mức thuế ưu đãi, thậm chí không chịu thuế nhập khẩu. Chưa hết, doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường liên kết đầu tư theo nhóm (bao gồm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng). Do đó, mặc nhiên các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư như các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối như miễn giảm thuế doanh nghiệp, giảm thuế sử dụng đất… Đây chính là lý do mà doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh về giá với những doanh nghiệp cung ứng nước ngoài ngay chính trên sân nhà.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt có thể trụ vững và chiếm lĩnh thị phần cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong nước, rất cần sự điều chỉnh hợp lý về chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp FDI cũng như với doanh nghiệp nội địa. Theo đó, doanh nghiệp nội địa nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ phục vụ xuất khẩu tại chỗ phải được miễn giảm thuế nhập khẩu hoặc được hoàn thuế nhập khẩu.
Ngược lại, với doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam cần thiết phải có sự phân tách rõ ràng lĩnh vực và sản phẩm đầu tư, chỉ ưu đãi đầu tư với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối. Các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hoàn thiện khả năng cung ứng. Còn những doanh nghiệp cung ứng đi kèm thì phải tuân thủ những quy định như doanh nghiệp cung ứng nội địa. Có như vậy mới tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh mà ở đó, doanh nghiệp nội có lợi thế tham gia và cạnh tranh công bằng.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay hiện sở cũng đang cùng với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ những rào cản trên, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước phát triển. Riêng với TPHCM, trong năm 2018, ngành công nghiệp thành phố đạt mức tăng trưởng nhất định. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,15% so với năm 2017 và có sự dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị gia tăng cao. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến ước tăng 8,37% và 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9,25%, gấp 1,13 lần mức tăng bình quân ngành.
Có thể thấy phát triển công nghiệp công nghệ cao là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế cao tạo đà phát triển bền vững. Chính vì thế, TPHCM đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó phát triển công nghiệp hỗ trợ là nền tảng.
Ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm, Sở Công thương và các sở ban ngành hiện đang tham mưu cho UBND TPHCM xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, tập trung các nhóm chính sách bao gồm hỗ trợ về mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực và xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu. Riêng với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn 2018-2020 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng và công nghệ sản xuất mới với thời gian hỗ trợ là 7 năm, mức vốn vay tối đa cho 1 dự án là 200 tỷ đồng. Đây cũng là động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp trong thời gian tới.