Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp cho vấn đề này như Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (giảm từ 1% xuống 0%, trong 12 tháng), tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (tạm dừng 6 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ). Hay Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 về việc giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (mức đóng giảm từ 1% xuống 0% với quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đòi hỏi cần thiết phải bổ sung một số chính sách hỗ trợ khác nhằm giảm bớt gánh nặng, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi. Đơn cử, hiện mức trích nộp quỹ hưu trí đối với doanh nghiệp là 14%, người lao động là 8%. Quỹ ốm đau, thai sản, doanh nghiệp đóng 3%. Như vậy, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là 17% đối với doanh nghiệp và 8% đối với người lao động. Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm y tế đối với doanh nghiệp là 3% và người lao động là 1,5% cũng là một khoản chi phí rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Do đó, Chính phủ cần có chính sách miễn/giảm mức trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp và người lao động, ít nhất 6 tháng.
Một nguồn thu khác là nguồn thu kinh phí công đoàn cũng cần được xem xét sử dụng để hỗ trợ chăm lo người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên xem xét tiếp tục trích một phần từ nguồn quỹ kinh phí công đoàn để hỗ trợ người lao động là đoàn viên công đoàn đang làm việc tại doanh nghiệp, tương tự như Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (số kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp). Ngoài ra, cần có hướng dẫn cho phép doanh nghiệp và công đoàn cơ sở (sau khi thỏa thuận thống nhất) được trích để lại nhiều hơn trong tổng nguồn thu kinh phí công đoàn được giữ lại để hỗ trợ, chăm lo cho người lao động tại doanh nghiệp.
Trước yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19 thì việc giải quyết nhu cầu về chỗ ở đảm bảo an toàn cho người lao động cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Hiện nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), nhất là tại TPHCM, thu hút nhiều lao động ngoài địa bàn nên nhu cầu về chỗ ở của người lao động là rất lớn. Để giải bài toán này, trước mắt Chính phủ nên chăng xem xét có chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho người lao động thông qua việc giảm thuế đối với các đơn vị kinh doanh nhà trọ, nhà lưu trú công nhân, qua đó kéo giảm giá thuê cho đối tượng này. Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng nhà lưu trú công nhân đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn như thiếu quỹ đất; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài; chính sách hỗ trợ (về vốn vay, giá cho thuê lại đất, miễn giảm thuế…) chưa rõ ràng, nhất quán, khó áp dụng... làm nhà đầu tư ngán ngại.
Để giải quyết những vướng mắc trên, kiến nghị, đối với những dự án nhà lưu trú công nhân được quy hoạch trong các khu đất dịch vụ của KCN cần coi là các dự án dịch vụ phục vụ cho sản xuất công nghiệp, áp dụng ưu đãi và thủ tục theo Luật Đầu tư hiện hành. Đối với những dự án nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân ngoài phạm vi KCX-KCN nên nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng cần quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân KCX, KCN để thu hút các doanh nghiệp tham gia như: miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ quy định việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân lao động KCX, KCN trong pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng coi nhà ở cho công nhân lao động là một hạng mục hạ tầng xã hội của các KCX, KCN.
Quan trọng hơn cả, như ý kiến nhận xét của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nêu ra tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM hôm 10-11, vấn đề quan trọng vẫn là chăm lo cho công nhân lao động tốt để tái tạo sức lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng chí Nguyễn Văn Nên đã biểu dương các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP đã đặt mục tiêu vì sức khỏe, tính mạng của công nhân, người lao động lên trên hết và đã kết nối, hỗ trợ lao động của doanh nghiệp mình dù nghỉ việc hay về quê tránh dịch. Tinh thần trách nhiệm chăm lo bằng hành động cụ thể, đơn giản ấy khiến công nhân, người lao động rất ấm lòng và quyết định trở lại nhà máy, dù có những nỗi lo.
Trong bối cảnh hiện nay, hỗ trợ kịp thời cho công nhân lao động vượt qua khó khăn chính là tạo thêm động lực mới cho việc khôi phục sức sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn và đảm bảo an sinh xã hội.