Hàng Việt ngày càng phủ sóng rộng khắp
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số kênh phân phối như Co.opmart, Co.op Food, Co.op Xtra… ở TPHCM, trên quầy kệ các siêu thị này hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ áp đảo. Cụ thể, từ bánh kẹo, nước giải khát, quần áo đến hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm đều là hàng trong nước sản xuất.
Đẩy chiếc xe đầy ắp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, nước giải khát tại Co.opXtra Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), chị Hồ Thanh Giang (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, mấy năm nay gia đình chị chủ yếu mua hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo chị Giang, hàng Việt hiện có mẫu mã phong phú, chất lượng không thua gì hàng ngoại nhập, giá vừa phải nên chị và gia đình đã lựa chọn để sử dụng.
Không chỉ ở thành phố lớn, ở nhiều vùng nông thôn, hàng Việt cũng lan tỏa tới từng xóm ấp vùng sâu, vùng xa. Đơn cử tại An Giang, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp bà con tiếp cận hàng Việt với giá tốt.
Thực tế, để hàng Việt ngày càng tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất cũng như bán lẻ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ thị trường, nắm bắt thị hiếu khách hàng, từ đó thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp. Còn ở lĩnh vực bán lẻ, ngoài ưu tiên quầy kệ cho nhà sản xuất còn áp dụng công nghệ hiện đại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, thời gian qua đơn vị đã có nhiều ứng dụng khoa học - công nghệ 4.0 như thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch không tiếp xúc, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng điện toán đám mây… nhằm cung cấp thêm cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại hơn, tiện lợi hơn, tạo sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ và gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.
Chung tay để hàng Việt vươn xa
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hàng Việt ngày càng có vị trí quan trọng ở nội địa, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành và doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ từ việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bởi sau 13 năm triển khai, cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đa số người tiêu dùng trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, đến nay hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60-96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Từ đó có thể thấy xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.
Tại TPHCM, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đến nay kênh phân phối tại chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa có tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%; tại các trung tâm thương mại, hàng Việt có tỷ lệ khoảng 80% và nhiều thương hiệu Việt như Kinh Đô, Trung Nguyên, Vinamilk, Duy Tân… đã quen thuộc với đông đảo người tiêu dùng.
Tại các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ rất cao và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Ông Nguyễn Việt Hùng, chủ một cửa hàng bánh kẹo, nước giải khát tại quận 12, cho biết, mấy năm trước đại lý của ông vẫn nhập bánh kẹo ngoại nhưng nay chỉ bán bánh kẹo sản xuất trong nước bởi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Ngoài bánh kẹo, các loại sữa, nước giải khát tại cửa hàng cũng là hàng sản xuất trong nước.
Dù có những thành công nhất định, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hàng Việt có vị trí vững chắc tại thị trường nội địa và vươn ra thế giới, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo đó, cách tốt nhất để cả xã hội đồng lòng tham gia cuộc vận động là doanh nghiệp phải nâng chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm lên chuẩn quốc tế. Ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn, tạo sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.