Một trong những rào cản lớn nhất của các địa phương chậm phát triển này chính là giao thông. Một ví dụ về giao thông khó khăn ở phía Bắc là tỉnh Điện Biên. Nhiều năm qua, Điện Biên vẫn là một tỉnh khó khăn, nằm trong nhóm các tỉnh có năng lực cạnh tranh yếu nhất cả nước.
Từ Hà Nội lên Điện Biên gần 500km, nếu đi đường bộ phải mất 1 ngày. Đường hàng không thì sân bay Điện Biên có đường băng ngắn, chỉ khai thác được máy bay nhỏ, thời tiết xấu không cất hạ cánh được. Giao thông nội tỉnh cũng đặc biệt khó khăn, do cự ly xa và địa hình phức tạp, từ Tuần Giáo qua TP Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang dài 117km, còn từ TP Điện Biên Phủ đến Mường Nhé hơn 200km. Đó là chưa kể mùa mưa lũ, giao thông còn khó khăn gấp bội, mọi hoạt động gần như đình trệ hoàn toàn.
Một điển hình nữa về giao thông khó khăn ở khu vực miền Trung Tây Nguyên là Lâm Đồng. Ngoài QL20, QL27 vừa được cải tạo nâng cấp, toàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, liên thôn, liên xã, cầu cống bị hư hỏng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện. Các tỉnh khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Thanh Hóa... cũng gặp những vấn đề tương tự.
Có thể thấy, thời gian vừa qua, giao thông cho khu vực miền núi đã được quan tâm, đầu tư với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Cùng với sự quan tâm của trung ương, các địa phương cũng tìm cách huy động các nguồn lực xã hội để cải thiện hạ tầng giao thông, với những điểm sáng như Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... Tuy nhiên, hiện ở những nơi có số hộ nghèo cao, chất lượng cuộc sống thấp, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thiên tai, bão lũ thường xuyên, công tác đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải xác định giao thông yếu kém là nguyên nhân chính kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế, khó đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo của địa phương. Từ đó, phải đổi mới căn bản chính sách đối với những khu vực này, chuyển mạnh từ chính sách hỗ trợ sang chính sách đầu tư toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập 4 đề án: Kết nối mạng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Kết nối giao thông khu vực Đông Nam bộ; Kết nối giao thông ĐBSCL; Kết nối giao thông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cũng mới đây, dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” có tổng mức đầu tư gần 237 triệu USD đã được ký kết, trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 188,36 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 43,829 triệu USD… Với dự án này, ngành giao thông sẽ xây dựng tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, góp phần hoàn chỉnh thêm mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng kết nối khu vực, đảm bảo giao thông trong trường hợp mưa lũ lớn xảy ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu).
Trong cuộc làm việc với các tỉnh phía Bắc ngày 24-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Trung ương và các địa phương phải tập trung ưu tiên nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông. Chỉ đạo của Thủ tướng một lần nữa xác định rõ, việc tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cần được coi là động lực quan trọng, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, các bộ, ngành trong đó có Bộ GTVT phải quan tâm hơn nữa đến phát triển hạ tầng giao thông miền núi, bao gồm tìm nguồn vốn, cơ chế để đầu tư mạnh hơn, toàn diện hơn cho giao thông miền núi. Công tác đầu tư giao thông miền núi, vùng sâu vùng xa cần bài toán tổng thể, phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có tính đến liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Các địa phương cũng phải chủ động, không trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của trung ương.