Sức mua: nội tăng, ngoại giảm
Theo Sở Công thương TPHCM, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước giảm 2,2% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, có sự khác nhau trong tăng giảm của từng ngành hàng. Cụ thể, ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước tăng 3,4% (cùng kỳ giảm 3,1%). Còn ngành sản xuất đồ uống ước giảm 12,0% (cùng kỳ tăng 7,3%).
Lý giải thực tế này, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, với ngành chế biến lương thực thực phẩm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chế biến chỉ bằng 30-40% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, tại thị trường tiêu thụ nội địa, DN vẫn duy trì sản xuất ổn định do ngành chế biến thực phẩm với tính chất đặc thù cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Doanh thu bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 103.884 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ, chiếm 11,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất đồ uống giảm 12,0% (cùng kỳ tăng 7,3%). Nguyên nhân là do từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay đã kéo sức mua giảm mạnh. Sức mua chỉ mới phục hồi lại từ khoảng giữa tháng 8 nến nay do DN chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất và quảng bá sản phẩm. Quan trọng hơn, nhờ tháng 9 tựu trường, tiêu thụ sản phẩm nước giải khát tăng mạnh, phục hồi khoảng 85%. Riêng tại thị trường xuất khẩu, dù có suy giảm so với trước dịch bệnh nhưng các DN sản xuất đồ uống cơ bản vẫn duy trì thị phần tại các thị trường Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan.
Ở góc độ khác, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, đơn hàng xuất khẩu bị hoãn, hủy thì mức giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước cũng rất đáng khích lệ. Điều này một phần do nỗ lực của DN trong việc chủ động đa dạng hóa thị trường để tăng đơn hàng, giảm thiểu rủi ro xuất khẩu. Mặt khác, các DN đã tận dụng rất tốt lợi thế cung ứng hàng hóa, gia tăng thị phần tại thị trường nội địa. Không chỉ đứt đơn hàng xuất khẩu mà những đơn hàng nhập khẩu cũng bị gián đoạn theo. Thực tế này đã tạo những khoảng trống tại thị trường nội địa mà hàng ngoại chiếm lĩnh trước đây. Đồng thời, tạo cơ hội để DN nội gia tăng sản xuất, lấp khoảng trống tiêu thụ, mở rộng thị phần và chiếm lĩnh ưu thế tại thị trường trong nước.
Đa dạng hình thức tiếp cận xu hướng tiêu dùng
Ghi nhận tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, nhiều ngành hàng Việt đã trở nên đa dạng và phong phú hơn. Chị Hoàng Hồ Yên Nhi, ngụ đường Lý Thường Kiệt, quận 5 chia sẻ, chỉ với sản phẩm gia vị tương ớt, người tiêu dùng cũng đã có thể rất khó lựa chọn khi có đến hàng chục sản phẩm cùng loại của nhiều DN. Hay như gạo, người tiêu dùng có thể phải đứng trước hàng trăm lựa chọn về chủng loại, thương hiệu của hàng trăm DN trong nước.
Không chỉ đa dạng về nguồn cung ứng, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, hàng hóa nói chung của DN trong nước đã có nhiều thay đổi so với trước. Không những được đầu tư chất lượng mà bao bì, nhãn mác cũng được thay đổi nhằm tạo độ tin cậy hơn cho người tiêu dùng. Mặt khác, những năm gần đây, các DN không ngừng đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất và đặt biệt gia tăng nghiên cứu nhằm tạo ra hàng loạt sản phẩm mới, thu hút sự quan tâm và ưa chuộng của người tiêu dùng. Đơn cử, cùng là sản phẩm dầu ăn, người tiêu dùng có thể chọn mua dầu cải, dầu gấc, dầu thực vật, dầu hạt hướng dương hay dầu gạo… Thậm chí, nhiều DN còn tận dụng nguồn nguyên liệu nông, thủy, hải sản phong phú trong nước để chế biến sản phẩm thực phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao như há cảo thanh long, bún dưa hấu, bán mì thanh long…
Theo ý kiến của các DN, trong khuôn khổ của chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ ngành liên quan, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các DN thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Chương trình được khởi động từ năm 2014 nhưng cho đến nay vẫn gặp nhiều hạn chế. Các DN sau khi được hỗ trợ vẫn thiếu nguồn lực nhất định để phát triển thương hiệu, gia tăng nhận diện của người tiêu dùng trên cả nước. Bên cạnh đó, tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn ăn sâu trong nhận thức của người dân. Do đó, cùng với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt, cần thiết gia tăng thêm hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Có như vậy về lâu dài mới tạo rễ, bám sâu thương hiệu hàng việc trong thói quen tiêu dùng của người dân, tạo sức bật bền vững cho hàng Việt tại thị trường trong nước.