0Dù mang lại hiệu quả lớn, song từ năm 2020 đến nay, diện tích cánh đồng lớn (CĐL) tại ĐBSCL không được mở rộng, thậm chí đang dần bị thu hẹp. Dẫn đến thực tế này là do Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn; cấp ủy, chính quyền cơ sở, hợp tác xã chưa tập hợp được nhiều nông dân tham gia sản xuất lớn, chưa liên kết được nông dân với doanh nghiệp (DN); mối liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất còn lỏng lẻo, dễ bị “đứt gãy”…
Nhiều nơi chưa thể sản xuất lớn
Cần Thơ là một trong những địa phương triển khai sản xuất lúa theo mô hình CĐL sớm nhất tại ĐBSCL, trong thời gian đầu thực hiện, diện tích tăng lên từng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, CĐL không được mở rộng. Hiện, địa phương này chỉ duy trì được 136 CĐL với tổng diện tích khoảng 35.000ha (chiếm khoảng 40% tổng diện tích gieo sạ), tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai. Không những không được mở rộng, tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, CĐL đang dần thu hẹp diện tích, thậm chí bị… “khai tử”. Đơn cử như tại Thới Bình, huyện đi đầu trong sản xuất lúa theo mô hình CĐL ở tỉnh Cà Mau trong những năm đầu triển khai; có thời điểm, tổng diện tích CĐL ở địa phương này được mở rộng lên hơn 2.000ha, nhưng hiện nay đã quay về số 0 (không còn nông dân, DN tham gia sản xuất).
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân, nhưng chính yếu là do nhiều xã, ấp không có HTX, ít HTX, hoặc có HTX nhưng hoạt động không hiệu quả do thiếu tiềm lực (trình độ xã viên yếu, thiếu vốn…), không vận động, tập hợp được nông dân tham gia sản xuất lớn. Ông Nghiêm cho biết thêm: Trong số 35.000ha lúa sản xuất theo mô hình CĐL hiện nay ở Cần Thơ, chỉ có khoảng 15.000ha có tính ổn định nhờ thông qua HTX. Số diện tích còn lại, việc liên kết sản xuất giữa nông dân và DN thường phải qua “cò”. Khi giá lúa biến động, “cò” kê giá bán, hoặc giảm giá mua để kiếm thêm lợi nhuận, dễ khiến chuỗi liên kết sản xuất bị “đứt gãy”.
Liên kết lỏng lẻo
Theo ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình (Cà Mau), khi tham gia CĐL, nông dân và DN làm hợp đồng sản xuất - bao tiêu sản phẩm nhưng nội dung chủ yếu mang tính hướng dẫn, không phải hợp đồng kinh tế, tính pháp lý không cao. Sự thiếu chặt chẽ này dẫn đến thực tế, khi giá lúa tăng, nông dân “bẻ kèo”, bán cho thương lái, không bán cho DN. Còn khi giá lúa giảm mạnh, DN thấy không lời, “quăng” trách nhiệm trong hợp tác làm ăn, bỏ cọc, không bao tiêu đầu ra cho nông dân. Đã vậy, khi tranh chấp xảy ra, cũng không có một hành lang, khung khổ pháp lý cụ thể để chế tài, giải quyết thỏa đáng. Dần dần, nông dân - DN mất niềm tin, không tham gia sản xuất theo mô hình CĐL.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thới Bình cho biết thêm, mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi không bền vững một phần còn đến từ tư duy “thương vụ và mùa vụ” của DN. Cụ thể, khi vào vụ đông xuân (vụ lúa có chất lượng gạo tốt), DN tranh thủ ký hợp đồng với nông dân, nhưng đến vụ hè thu (gạo có chất lượng kém hơn) thì DN… “trốn”.
Trên thực tế, chuỗi sản xuất bị “đứt gãy” do khâu liên kết lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ đã xảy ra ở nhiều địa phương. Đơn cử, tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Bảnh, Tổ quản lý ô bao số 10 (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh), cho biết, ông và nhiều nông dân khác trong tổ sản xuất này vừa bị một công ty lúa gạo ở An Giang “bẻ kèo”, dẫn đến thất thu lớn trong vụ lúa đông xuân 2023. Trong hợp đồng, công ty tham gia sản xuất hứa bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa trên diện tích 10.000ha, cuối vụ mua theo giá thị trường và hỗ trợ thêm 200 đồng/kg. Chính quyền địa phương cũng cam kết hỗ trợ 30% tiền phân, thuốc.
“Tất cả quy trình sản xuất, từ giống lúa gieo sạ được xác định là Đài Thơm 8, đến lượng thuốc, phân bón sử dụng…, chúng tôi đều thực hiện như hợp đồng, nhưng cuối vụ, DN dẫn ra nhiều lý do khách quan và không thu mua. Để giảm thiệt hại, nông dân phải bán lúa cho thương lái với giá rẻ”, ông Bảnh kể. Sau vụ lúa, do mất niềm tin vào DN, chính quyền địa phương cũng không tiếp tục hỗ trợ 30% tiền vật tư sản xuất, do đó nông dân ở địa phương này đã quay lại với cách sản xuất truyền thống.
Không chỉ làm “đứt gãy” chuỗi sản xuất, việc liên kết lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ giữa nông dân và DN còn dẫn đến những “câu chuyện đau lòng” và nông dân luôn là chủ thể bị thiệt. Nhắc lại vụ đông xuân năm 2013 ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, ông Phan Thanh Phước, Bí thư ấp Tân Lịch (xã Tân Hưng), chưa hết ngao ngán: “Vụ lúa đó, khi “cò lúa” - là một người dân uy tín, sống ở địa phương giới thiệu, có thương lái liên kết sản xuất, thu mua lúa với số lượng lớn, rất nhiều nông dân ở địa phương phấn khởi tham gia. Cuối vụ, nông dân thu hoạch xong, thương lái đến cân lúa chở đi và hẹn thanh toán đủ tiền sau vài ngày với lý do đang chờ đối tác nhập khẩu gạo ở nước ngoài đối ứng vốn. Tin tưởng “cò lúa”, nông dân cho nợ, thế nhưng thương lái… đi luôn. Gần 2 tỷ đồng của bà con “đổ biển”. Sau “cú lừa” trên, rất nhiều nông dân không còn đủ tin tưởng để tham gia sản xuất lúa theo CĐL khi có nhiều DN đến đặt vấn đề liên kết sản xuất”.
Khó duy trì và mở rộng do thiếu vốn
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Chính phủ quy định lúa gạo là ngành xuất khẩu có điều kiện, theo đó các DN phải có vùng nguyên liệu, hệ thống phơi sấy, kho tạm trữ…, sau đó mới đưa đi đấu giá với thị trường nước ngoài để xuất khẩu. Thực tế hiện nay, phần lớn các DN tham gia sản xuất theo mô hình CĐL chưa đáp ứng được hết các điều kiện, do thiếu vốn đầu tư. “Không đủ phương tiện vận chuyển, thiết bị phơi sấy, kho chứa, nên lúa thu hoạch phải tập kết đầu bờ 4-5 ngày mới thu gom hết. Một số diện tích lúa quá ngày thu hoạch 7-10 ngày mới cho cắt đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng”, đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết. Để tháo gỡ khó khăn này, nhiều DN cần vay vốn nhưng Nhà nước chưa có chính sách cho vay ưu đãi. Hiện nay, ngân hàng chỉ cho các DN lúa gạo vay để xuất khẩu gạo bình thường, còn để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi thì chưa.
Thống kê của một số tỉnh ĐBSCL cho thấy, tỷ lệ hợp đồng thành công trong sản xuất theo mô hình CĐL giữa nông dân và DN chỉ đạt khoảng 20%-30%.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ, năm 2017, công ty thực hiện dự án sản xuất lúa theo mô hình CĐL trên diện tích 800ha tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. “Dự án được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt. Tất cả thủ tục, hồ sơ liên quan đến dự án để tìm nguồn tín dụng đã được công ty hoàn tất. Thế nhưng, khi gõ cửa rất nhiều ngân hàng, chúng tôi đều bị họ “lắc đầu”. Không chỉ dự án này, từ trước đến nay, chưa có dự án CĐL nào của công ty được ngân hàng cho vay, dù đáp ứng đủ các điều kiện”. Theo ông Bình, đó là lý do khiến số lượng DN tham gia sản xuất lúa theo mô hình CĐL ở ĐBSCL hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt, nhìn nhận, lợi nhuận của DN khi tham gia CĐL là rất lớn, tuy nhiên sau hơn chục năm triển khai mô hình này, số lượng DN đang “rơi rụng” dần. Những DN còn “trụ được” chủ yếu là những DN, tập đoàn lớn nhờ có đủ tiềm lực kinh tế, không phải vay ngân hàng, nếu có thì vay thế chấp với tài sản sẵn có, nhưng rất ít. “Dù rất muốn nhưng chúng tôi không thể liên kết sản xuất, đặt hàng và bao tiêu sản phẩm với nông dân. Hiện công ty chỉ mua lúa qua thương lái, sau đó chế biến để xuất khẩu. Cách làm này khó đưa hạt gạo tiếp cận các thị trường khó tính, lợi nhuận mang lại cũng không cao, nhưng không còn cách nào khác, do công ty không đủ vốn tham gia sản xuất theo CĐL”, ông Tuấn chia sẻ.
Diện tích Cánh đồng lớn qua 12 năm triển khai
2011: hơn 7.800ha 6.400 hộ (tham gia)
7-2014: 146.000ha
7-2015: 430.000ha
7-2016: 579.300ha 620.000 hộ
7-2018: 380.000ha
7-2020: 271.000ha 326.340 hộ
Từ 2021 đến nay Ước còn hơn 100.000ha
Tổng hợp: VĂN PHÚC; Đồ họa: QUANG SƠN