LTS: Khởi xướng tại An Giang, Đồng Tháp khoảng năm 2009, đến năm 2011, mô hình Cánh đồng mẫu lớn (về sau gọi là Cánh đồng lớn) chính thức được Bộ NN-PTNT phát động triển khai trong cả nước. Cánh đồng lớn được thực hiện trên cơ sở liên kết 4 nhà tham gia vào chuỗi sản xuất, trong đó nhà nước hỗ trợ chính sách; nhà khoa học hỗ trợ kỹ thuật; doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; nông dân trực tiếp canh tác. Tại ĐBSCL, Cánh đồng lớn chủ yếu được áp dụng với cây lúa. Sau 12 năm triển khai, đến nay mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn, song diện tích đang dần thu hẹp, thậm chí bị “khai tử” ở một số địa phương do nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến chính sách, vốn vay…
Chi phí giảm, sản lượng và chất lượng tăng
Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng Núi Sập ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, lão nông Tư Tấn (64 tuổi), khoe: “Vụ lúa đông xuân 2023, tôi thu gần 60 tấn lúa tươi trên diện tích 6,5ha, bình quân mỗi héc-ta thu gần 10 tấn. Với giá lúa tươi khoảng 7.000đồng/kg, tôi bỏ túi gần 50 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí”. Theo lão nông Tư Tấn, có được kết quả này là nhờ ông trồng lúa theo kiểu “mặt ruộng không dấu chân”.
“Mặt ruộng không dấu chân” là cách nói vui của nông dân, thực tế đây là mô hình CĐL, vì sản xuất theo mô hình này nông dân gần như không lội chân xuống ruộng, tất cả các khâu được cơ giới hóa. “Từ làm đất, bơm hút nước, đến gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch... đều được thực hiện bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật do hợp tác xã, DN cung ứng, hỗ trợ. Chẳng những tiện lợi, nhanh gọn mà giá dịch vụ thuê máy móc cũng rẻ hơn so với giá thuê nhân công như sản xuất truyền thống. Sản xuất theo CĐL, trên mỗi cánh đồng chỉ có 1-2 giống lúa, sâu bệnh ít phát sinh, nên lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng ít hơn. Trồng lúa theo CĐL, nông dân tụi tui được lợi nhiều lắm, nhất là không phải vất vả, dầm mưa dãi nắng ngoài đồng như trước, có thời gian rảnh để uống cà phê”, ông Tư Tấn phấn khởi.
Ông cho biết thêm, nhờ chi phí sản xuất giảm (khoảng 15-20%), nên lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể. Sau 7 năm liên kết cùng HTX Nông nghiệp Bình Thành (Thoại Sơn, An Giang) và Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa theo mô hình CĐL, đến nay kinh tế của gia đình lão nông Tư Tấn khấm khá hơn. Có vốn tích lũy, mới đây, ông mạnh dạn đầu tư máy bay nông nghiệp 3 trong 1 (gieo sạ, bón phân, phun thuốc) với giá 650 triệu đồng để vừa phục vụ sản xuất tại nhà, vừa cho thuê nhằm gia tăng thu nhập.
Không chỉ kéo giảm chi phí đầu tư, sản xuất lúa theo mô hình CĐL còn đẩy năng suất, sản lượng sản phẩm lên cao. Theo tính toán của ông Phạm Tấn Hào, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp thương mại Hưng Thành (huyện Tân Hưng, Long An), trên 1ha ruộng, nếu sản xuất theo cách truyền thống, nông dân sạ thủ công tốn 160kg giống. Trong khi, sản xuất theo mô hình CĐL, cấy bằng máy, chỉ cần 100-120kg giống là đủ. Như vậy, “với giá lúa giống khoảng 16.000 đồng, mỗi héc-ta, nông dân tiết giảm được gần 1 triệu đồng tiền giống. Chưa kể, khi cấy bằng máy, khoảng cách giữa các cây lúa đều và thưa hơn, hấp thụ dưỡng chất từ đất nhiều hơn, cho sản lượng lúa cao hơn, hạt gạo cũng chắc và ngon hơn. Đặc biệt, khi sạ thưa, cây lúa cứng, khó đổ ngã khi mưa gió lớn, giảm thiệt hại cho nông dân, nhất là trong tình hình khí hậu ngày càng biến đổi bất thường”, ông Hào phân tích.
Ông Lưu Văn Ngà, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng, Long An), cho biết, thống kê và đánh giá trong quá trình triển khai sản xuất lúa theo mô hình CĐL tại HTX, cho thấy: chi phí sản xuất giảm 10%; năng suất đạt 8-10 tấn/ha (lúa 2 vụ) và 5,5-6 tấn/ha (lúa 3 vụ), mỗi héc-ta tăng 1,5-2 tấn, theo đó lợi nhuận của nông dân cao hơn so với sản xuất truyền thống gần 4 triệu đồng/ha.
Theo Cục Trồng trọt, trước đây, số lượng gạo phẩm cấp trung bình chiếm 80% trong xuất khẩu, nay giảm còn dưới 20%. Hiện có hơn 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thuộc phân khúc gạo thơm, gạo phẩm cấp cao. Theo đó, lợi nhuận của nông dân, DN tăng đáng kể. Kết quả này có được chủ yếu nhờ các sản phẩm gạo do
CĐL mang lại.
Đưa gạo Việt tiếp cận thị trường khó tính
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nhìn nhận: “Cái được lớn nhất với nông dân khi sản xuất lúa theo mô hình CĐL là được DN bao tiêu đầu ra, thu mua sản phẩm theo hợp đồng, giải quyết được nỗi lo bị “cò”, thương lái ép giá. Đây là sự thiệt thòi, là nỗi bức xúc không chỉ của nông dân mà cả ngành nông nghiệp trước đây. Bây giờ, khi đầu ra ổn định, nông dân coi như thành công được một nửa trong sản xuất”. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Chí Thiện, sản xuất theo mô hình CĐL, nông dân được HTX, DN cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kịp thời với giá cả hợp lý và được hướng dẫn, tư vấn sử dụng đúng cách, theo đó sản lượng và chất lượng lúa gạo tăng lên. Nông dân cũng giải quyết được khâu thiếu vốn khi được DN, HTX tạm ứng chi phí thuê máy móc, vật tư, mua phân, thuốc, đến cuối vụ mới cấn trừ qua tiền bán lúa; không còn cảnh mua thiếu ngoài cửa hàng, đại lý để phải trả thêm mức lãi cao như trước.
Sử dụng “máy bay nông nghiệp” để tưới phân trên ruộng lúa được sản xuất theo mô hình CĐL tại ĐBSCL. Ảnh: TUẤN QUANG |
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (DN có hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo tại TP Cần Thơ) nhìn nhận, CĐL ra đời đã xóa bỏ kiểu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành lên những vùng nguyên liệu ổn định, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, nhất là với thị trường nước ngoài.
“Trước đây, sản xuất theo kiểu truyền thống, mỗi thửa ruộng nông dân trồng một loại giống, có khi một cánh đồng có hơn chục loại giống khác nhau. Thời gian xuống giống, thu hoạch lúa chưa hợp lý, nhiều trường hợp lúa chín rộ nhưng cả tuần sau mới thu hoạch. Việc sản xuất không theo một quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể nào đã cho ra sản phẩm có chất lượng thấp. Khi thu mua các sản phẩm này về chế biến, xuất khẩu, chúng tôi thường bị đối tác nước ngoài chê hoặc hủy hợp đồng. Tuy nhiên, khi CĐL ra đời mọi việc đã thay đổi”, ông Phạm Thái Bình nhớ lại.
Dẫn chứng, ông Phạm Thái Bình cho biết, năm 2012, ngay sau khi Bộ NN-PTNT phát động triển khai mô hình CĐL, DN tiên phong thực hiện tại huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), với diện tích 428ha. “Lô gạo 2.000 tấn (gạo 5% tấm, một loại giống duy nhất) sản xuất theo mô hình CĐL nhanh chóng được đối tác nước ngoài thu mua với giá cao hơn gạo 5% tấm bình thường 70 USD/tấn. Không chỉ chúng tôi vui mà khách hàng cũng ngỡ ngàng vì chúng ta đã sản xuất được gạo có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của họ”, ông Bình chia sẻ.
Từ những lô gạo xuất khẩu theo mô hình CĐL của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An và các DN khác trong nước, chất lượng, giá trị và thương hiệu gạo Việt dần được khẳng định trên thị trường quốc tế. Bằng chứng là đối tác nước ngoài tìm đến và ký kết đơn hàng ngày càng nhiều hơn với các DN xuất khẩu gạo của nước ta. Ông Bình cho hay, từ 428ha CĐL ban đầu, đến nay, tổng diện tích sản xuất lúa theo mô hình này do công ty thực hiện đã tăng lên 10.000ha tại nhiều địa phương ở ĐBSCL. Toàn bộ diện tích liên kết đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn Global GAP và hiện đã chinh phục được 3 thị trường khó tính: Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, CĐL là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, nền nông nghiệp không chạy theo sản lượng mà chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp. Bởi nhỏ lẻ, manh mún, tự phát được xem như “lời nguyền” mà nền nông nghiệp cần hóa giải khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường hàng hóa lớn. Nhỏ lẻ làm cho chi phí sản xuất cao. Manh mún gây khó khăn cho cơ giới hóa. Tự phát khiến chất lượng nông sản không đồng đều. Nền nông nghiệp Việt Nam cần thoát khỏi những “cái bẫy” đó. Tổ chức sản xuất quy mô lớn theo mô hình CĐL còn giải quyết câu chuyện kinh niên ở ĐBSCL là lao động ly hương ồ ạt. Đơn cử, nếu như có các nhà máy sơ chế nông sản, hệ thống kho bảo quản sau thu hoạch trải đều các vùng nguyên liệu thì sẽ cần lượng công nhân nông nghiệp nhất định. Giải quyết được khâu này, nông dân có cơ hội làm việc gần nhà, không phải đổ dồn về các khu/cụm công nghiệp ở TPHCM và các tỉnh, thành Đông Nam bộ như hiện nay.