Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, kết quả phát triển kinh tế ngoạn mục và tinh thần tin tưởng hiện nay của người dân là điều kiện để tạo nên sinh khí cho năm 2018 và các năm tiếp theo.
Là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đầu tiên phát biểu tại hội trường sáng 26-5, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ sự đồng tình với phương châm 10 chữ mà Chính phủ đề ra, trong đó đặt kỷ cương lên hàng đầu và nhấn mạnh, đây là quan điểm hợp lý vì hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, đa nhiệm, đa năng mà nếu không kỷ cương trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”… Tuy nhiên, điều mà cử tri và nhân dân quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng đời sống của nhân dân. Điều đó đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ trong định hướng điều hành vĩ mô, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối như cầu cống, đường sá, sân bay, cảng biển để tạo nên huyết mạch cho giao thông, để hình thành, nuôi dưỡng nền kinh tế; làm sao phải xây dựng được nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất, kinh doanh có đạo đức.
Trong khi đó, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) có phát biểu ấn tượng: “Lương công chức 1,3 triệu đồng, tham nhũng ngàn tỷ, sao không xót xa cho được!”. Thời gian qua việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.
3 bộ trưởng giải trình trước Quốc hội
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề.
Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới. “Về thuế tài sản, nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng. Mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.
Công nhận tình trạng chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương, kể cả ở các cơ quan nhà nước lẫn các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu hàng loạt giải pháp để chấn chỉnh tình hình trong thời gian tới như hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, đảm bảo công khai, minh bạch. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định về hóa đơn điện tử; đồng thời với việc tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro cao, để xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật…
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo bổ sung về 3 nội dung. Trong đó, về xử lý các dự án tồn tại, yếu kém, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công thương làm Phó Trưởng ban, hiện đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án tồn đọng, phấn đấu hết năm 2018 sẽ xử lý cơ bản và đến 2020 hoàn thành xử lý các dự án này, đồng thời có giải pháp ngăn chặn để không xuất hiện thêm các trường hợp tương tự. Người đứng đầu ngành công thương khẳng định: “Các cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan đến các dự án sẽ được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định”.
Tập trung vào vấn đề năng suất lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung nhận định, năng suất lao động của Việt Nam nhìn chung có chuyển biến, ước năm 2017 tăng 6,6% so với năm 2016, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng cao. Năm 2018, ngành LĐTB-XH đã chọn giáo dục nghề nghiệp là khâu đột phá, để tạo việc làm ổn định, bền vững.
Tranh luận về khoản nợ hơn 22.000 tỷ đồng của Chính phủ
Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Đáng chú ý, màn đối đáp giữa ĐBQH và Bộ trưởng Bộ Tài chính về khoản nợ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) của Chính phủ diễn ra rất thú vị.
Chính phủ cho biết, Luật BHXH 2006 quy định hàng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ BHXH bắt buộc để đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1-1-1995. Căn cứ quy định của Luật BHXH, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định nghĩa vụ của NSNN đối với khoản này là 22.090 tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 1083/2015 giao Chính phủ thực hiện chuyển khoản kinh phí này từ NSNN và hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, trong dự toán NSNN năm 2016 - 2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỷ đồng nêu trên. Lý do là hiện tại hàng năm Quỹ BHXH đều có kết dư; nếu NSNN bố trí chuyển 22.090 tỷ đồng vào quỹ thì cũng được BHXH Việt Nam sử dụng để đầu tư mua trái phiếu chính phủ (TPCP).
Để xử lý dứt điểm vấn đề này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lộ trình trả nợ 22.090 tỷ đồng theo hình thức phát hành TPCP nhận nợ với Quỹ BHXH bắt buộc (trong đó, năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng). Đồng thời, NSNN sẽ phải tính và trả lãi phát sinh đối với khoản nợ Quỹ BHXH bắt buộc nêu trên từ ngày 1-1-2016 (thời điểm xác nhận nghĩa vụ của NSNN đối với quỹ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Về lãi phát sinh đối với khoản nợ này, Chính phủ tính toán cụ thể gắn với lộ trình, mức lãi suất phát hành TPCP nhận nợ chính thức với BHXH Việt Nam và sẽ được cộng dồn vào cuối kỳ (năm 2020) để thanh toán, hoặc phát hành TPCP bổ sung để nhận nợ với BHXH. Với khoản nợ này, Ngân sách Trung ương tăng chi trả nợ lãi trong 2 năm 2019 - 2020 khoảng 1.300 tỷ đồng; nợ công giai đoạn 2018 - 2020 tăng thêm khoảng 0,4% GDP (đến ngày 31-12-2017, dư nợ công bằng khoảng 61,4% GDP).
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Luật BHXH 2006 đã quy định nghĩa vụ chuyển khoản tiền này, nhưng từ năm 2006 - 2014, trước khi có Luật BHXH năm 2014 Chính phủ không hề báo cáo Quốc hội, không hề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tính toán khoản này. Đến năm 2015 mới có báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết xử lý, như vậy rất chậm, mấy nhiệm kỳ không hề đề cập.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải, lẽ ra chúng ta phải trả nợ cả gốc cả lãi từ ngày 1-1-1995, nhưng do khó khăn về ngân sách nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không đòi nợ này, mà tính lãi từ ngày 1-1-2016. Theo Bộ trưởng, nhiệm kỳ từ năm 1995 đến nay đã hơn 20 năm, năm 2015 Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, lần này tiếp tục báo cáo, như vậy “Chính phủ nghiêm túc và đàng hoàng”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội thống nhất việc tính lãi từ ngày 1-1-2016. Trong dự toán 2017 - 2018 chưa tính lãi khoản này, Chính phủ xin trái phiếu hóa 2019 - 2020, nếu có điều kiện sẽ bố trí trả nợ cả lãi luôn.