Theo “biệt đội” tìm nấm
Vườn quốc gia Sông Thanh được biết đến là nơi sinh trưởng của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nấm lim xanh mọc ra từ thân cây lim, được xem là “báu vật” của rừng. Trong lâm phận của Vườn quốc gia Sông Thanh, hầu như nơi nào cũng có sự sinh trưởng của cây gỗ lim. Những năm trước, Sông Thanh còn là khu bảo tồn thiên nhiên thì người dân địa phương vẫn hay vào hái nấm.
Ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh, chia sẻ, kể từ cuối năm 2020, Sông Thanh được “nâng hạng” lên Vườn quốc gia nên được bảo vệ nghiêm ngặt, bà con không được vào hái lượm như trước. Để tạo sinh kế cho người dân vùng đệm, Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh đã lập đề tài nghiên cứu trồng nấm lim xanh để cung cấp giống miễn phí cho người dân.
Để phục vụ đề tài nghiên cứu, một “biệt đội” tìm nấm lim xanh được ra đời. Ngoài công việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thì những người giữ rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh nay có thêm nhiệm vụ là tìm, bảo vệ và thu hái nấm lim xanh.
Có mặt tại chốt bảo vệ rừng Khe Giữa vào một ngày tháng đầu tháng 7, chúng tôi có cơ hội đi theo “biệt đội” săn nấm lim xanh. Dọc đường đi, các thành viên của tổ liên tục nhắc và chỉ chúng tôi đi cẩn thận, vì không chỉ đường dốc núi mà có thể giẫm lên những chồi nấm mới mọc, khuất dưới lớp lá. Càng vào sâu trong rừng, nấm lim xanh mọc càng nhiều. Cứ đi một đoạn, chúng tôi lại dừng để thu hoạch nấm.
Bhnước Yên (25 tuổi, người xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam, thành viên trong tổ tuần tra, bảo vệ rừng) cho biết, mỗi khi tới mùa mưa dông, nấm sẽ mọc lên từ vỏ rễ, hoặc thân gốc của cây lim xanh đã chết. Tuy nhiên, những cây đã chết quá lâu, mất lớp vỏ đi thì sẽ không cho nấm nữa. Mỗi lần đi như vậy, tổ tuần tra, bảo vệ rừng đều bấm tọa độ GPS lưu trữ địa điểm nào có nấm, ghi chép lại khu vực nào tập trung nấm già, nơi nào mới mọc. Những cây nấm chưa đến ngày khai thác thì được làm dấu bằng cách cắm cành cây để anh em đi chuyến sau lấy về.
Không còn tác động vào rừng
Chúng tôi thắc mắc: Bấy lâu nay bà con vùng đệm sống dựa vào rừng, đến mùa lại vào hái nấm tìm sinh kế, bây giờ không được phép, trong khi lực lượng của Vườn quốc gia Sông Thanh thì được hái nấm, bà con phản ứng thì sao?
Tal Ngôn Lực, thành viên tổ tuần tra, bảo vệ rừng Vườn quốc gia Sông Thanh, cười tươi nói: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để bà con biết là lực lượng của vườn quốc gia hái nấm đem về để nghiên cứu, nhân giống chứ không phải đem bán. Sau này sẽ phát cho bà con trồng ở quanh vườn nhà mình, rồi thu hoạch bán mà không phải vào rừng nữa. Lúc đầu bà con còn có ý kiến này ý kiến nọ, nhưng bây giờ bà con hợp tác rất tốt”.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh, cho biết, các máy móc nghiên cứu để nuôi cấy nấm lim đã được nhập về để thực hiện đề án. Số nấm lim thu hoạch được sẽ được phân tách bào tử, tạo men nấm và nghiên cứu cấy lên giá thể là chính cành, thân của cây lim bản địa. Việc cấy nấm lên giá thể là chính cây lim xanh sẽ cho chất lượng, hàm lượng dược liệu gần đúng nhất so với nấm lim tự nhiên, vì từ trước đến nay, đa số nấm lim nuôi trồng nhân tạo trên thị trường hiện nay chủ yếu là mùn cưa của cây cao su, keo lá tràm.
Còn ông Đinh Văn Hồng chia sẻ, đề tài nghiên cứu đến nay triển khai được 2 năm, đã có những kết quả khả quan ban đầu. Sau khi nghiên cứu thành công, sẽ nhân rộng mô hình và cung cấp cho người dân có nhu cầu nuôi trồng và chuyển giao kỹ thuật. “Chúng tôi sẽ liên hệ với các bên để lập chuỗi thu mua bao tiêu sản phẩm cho người dân. Với giá một ký nấm lim trồng hiện tại hơn 1 triệu đồng, thì bà con vùng đệm sẽ có được một nguồn thu bền vững mà không còn tác động vào rừng. Từ đó, bà con sẽ cùng chung tay với chúng tôi giữ rừng, giữ sự đa dạng sinh học của khu vực”, ông Đinh Văn Hồng nói.