Đó là cách làm thiết thực của tỉnh Hậu Giang gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tìm cách giúp dân thoát nghèo
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9, tỉnh Hậu Giang có thêm 2 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) là xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ và xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Như vậy, tính đến nay, sau gần 7 năm xây dựng NTM, tỉnh Hậu Giang có 19/54 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là thị xã Ngã Bảy.
Cách thức xã Vĩnh Thuận Đông xây dựng NTM được đánh giá có nhiều sáng tạo. Cụ thể, năm 2016, xã còn 197 hộ nghèo (chiếm 6,33%). Vì vậy, chính quyền xã đã chủ động phối hợp với các ngành của huyện tổ chức nhiều buổi đối thoại với hộ nghèo. Qua đó, nắm bắt từng hoàn cảnh, nhu cầu, điều kiện sản xuất của hộ nghèo để hỗ trợ sản xuất (thông qua Đề án 1.000 của tỉnh); hỗ trợ vốn, cây con giống để các hộ nghèo tìm được sinh kế ổn định. Chỉ tròn trèm qua 1 năm, 76 hộ nghèo đã “trả lại sổ hộ nghèo”. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân xã Vĩnh Thuận Đông phát triển về kinh tế, từ đó thu nhập bình quân đầu người trong xã hàng năm đều tăng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37,915 triệu đồng/người/năm.
Việc xây dựng NTM theo Quyết định 1980 (giai đoạn 2016-2020) của Thủ tướng Chính phủ sẽ có nhiều tiêu chí nâng cao về chỉ tiêu thực hiện nên khó thực hiện, nhất là tiêu chí về xét tỷ lệ hộ nghèo theo hướng đa chiều còn dưới 4% mới được công nhận (quy định trước đó dưới 7%) và không theo hướng đa chiều.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM, cho biết: “Dù có khó khăn, nhưng ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã đều thể hiện sự quyết tâm bằng nhiều việc làm thiết thực. Điển hình, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đã triển khai rất nhiều đề án của tỉnh như đề án nâng cao chất lượng hợp tác xã, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, đề án trạm bơm điện, giống cây trồng, vật nuôi…
Ngoài phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, công tác phát triển văn hóa - xã hội, môi trường cũng được chú trọng. Đến nay, có 100% số xã đều thực hiện xong phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 20%. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai sâu rộng đến từng địa bàn nông thôn. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%; có 100% số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đăng ký các thủ tục về bảo vệ môi trường. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định”.
Bao tiêu nông sản
Để thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch NTM năm 2017, tỉnh Hậu Giang tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, như: Đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo, đối thoại - tìm giải pháp giúp các gia đình khó khăn thoát nghèo. Trong đó, sẽ triển khai các đề tài khoa học về NTM, nhân rộng các mô hình hiệu quả, tổ chức tham quan học tập trong và ngoài nước, đúc kết kinh nghiệm để nâng cao nội dung, chất lượng về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh theo hướng “Hiệu quả - chất lượng - hiện đại - bền vững”.
“Trong 19 tiêu chí cần phân lập rõ từng nhóm tiêu chí: Nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhóm nâng cao đời sống nhân dân, nhóm hoàn thiện hệ thống chính trị củng cố quốc phòng an ninh, nhóm môi trường… trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình bước đi thích hợp để phấn đấu hoàn thành tiêu chí”, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hậu Giang liên tục tổ chức các buổi đối thoại với nông dân vùng trồng cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản. Tại các buổi đối thoại có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các viện, trường để giải đáp các thắc mắc, đưa ra khuyến cáo cụ thể để nông dân chọn lựa mô hình sản xuất phù hợp với thị trường. Thông qua các buổi đối thoại, nhiều hộ nông dân đã thả nuôi lại cá tra khi có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cũng đặt hàng nông dân trồng cây ăn trái với số lượng cụ thể để đảm bảo đầu ra cho nông dân.
“Chúng tôi xác định xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân càng được nâng cao”, đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh.