Đánh giá các nội dung này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT-BVNTD, Bộ Công thương) nhận thấy mô hình hoạt động của một số sàn đầu tư tài chính này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia.
Trước hết, mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép. Trong trường hợp, nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống, kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo...
Một chuyên gia tài chính nhận xét, điểm chung của các sàn này là dụ nhà đầu tư bỏ tiền thật mua một trong những đồng tiền ảo thuộc tốp 3, tốp 5 tiền ảo hàng đầu trên thế giới. Sau đó, nhà đầu tư sử dụng số tiền ảo này để mua tiền ảo nội bộ do các công ty tự phát hành. Chiêu thức này giúp các sàn lừa đảo vừa thu về lượng lớn tiền ảo giá trị lớn, có tính thanh khoản cao, vừa tránh được cơ quan chức năng truy dấu vết dòng tiền.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ cách đây không lâu, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, khẳng định chỉ các tổ chức tín dụng (TCTD) được NHNN cho phép kinh doanh ngoại hối mới được cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế. Các sàn đầu tư ngoại tệ tự phát hiện nay đều không hợp pháp, nhà đầu tư cần cẩn trọng và nên giao dịch ngoại tệ tại các TCTD được cấp phép chính thức.
Về mặt pháp lý, mô hình hoạt động của các sàn đầu tư tài chính kiểu như trên đều có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép tại Việt Nam. Ngoài rủi ro thiệt hại về tài sản, người tham gia còn đang tiếp tay cho hoạt động bất hợp pháp. Các tổ chức cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua sàn còn có thể bị xử lý theo Điều 217a Bộ luật Hình sự với mức xử phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Người dân cần hết sức tỉnh táo bởi khi đầu tư vào một lĩnh vực mà Nhà nước không thừa nhận, dù hấp dẫn đến đâu, cũng phải đối mặt với tỷ lệ rủi ro cực lớn do không được pháp luật bảo vệ.