Làm dự án từ ý tưởng
Mới đây, tại vòng chung kết cấp thành phố Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm học 2024-2025 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, dự án “GolocalVietnam.com - Du lịch theo cách của bạn tại Việt Nam” của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) được trao giải nhì.
Cô Hồ Ngọc Lâm, giáo viên Tin học, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết, dự án xuất phát từ ý tưởng của học sinh về việc tạo ra một ứng dụng cung cấp dịch vụ thuê hướng dẫn viên du lịch người bản địa phục vụ nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, vui chơi, giải trí của người nước ngoài tại Việt Nam.
Do các em mới là học sinh lớp 7, chưa được học môn Giáo dục Kinh tế và pháp luật (được quy định tại chương trình giáo dục dành cho học sinh cấp THPT) nên khi bắt tay vào thực hiện dự án, các em phải tự bổ sung kiến thức về pháp luật, tài chính để tính toán giá thành sản phẩm, xây dựng quy trình kêu gọi vốn đầu tư. Ngoài ra, kiến thức về công nghệ cũng là thử thách đặt ra cho học sinh, trong đó có việc tìm hiểu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Trong quá trình nghiên cứu, cô và trò gặp nhiều khó khăn do thâm nhập một lĩnh vực hoàn toàn mới. Tuy nhiên, nhờ có sự quyết tâm nên cô và trò cùng nỗ lực biến cái “không” thành “có”.
Tương tự, với Nguyễn Phương Thảo My, học sinh lớp 11CH, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), dự án “Đất nặn thiên nhiên từ nguồn phế phẩm nông nghiệp” được em và 4 bạn khác thực hiện ròng rã một năm. Khó khăn lớn nhất đối với cả nhóm là phải thuê, mượn phòng thí nghiệm của trường đại học để tiến hành hoạt động nghiên cứu.
Sau khi tạo ra sản phẩm, các em phải xây dựng chiến dịch quảng cáo để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là những việc các em chưa được học ở trường phổ thông mà chủ yếu qua trải nghiệm thực tế khi sử dụng mạng xã hội, tham gia các dịch vụ mua sắm trực tuyến phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Với em Trần Lê Minh Khuê, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), việc báo cáo một dự án trước hội đồng ban giám khảo khác rất nhiều so với việc trình bày một bài thuyết trình trên lớp do đòi hỏi nhiều kỹ năng ở mức độ cao hơn. Qua mỗi lần báo cáo, lắng nghe các ý kiến góp ý, học sinh hoàn thiện dự án tốt hơn và nhờ vậy các em được bổ sung nhiều kiến thức bổ ích.
Hoàn thiện kỹ năng và kiến thức
Cô Hồ Ngọc Lâm bày tỏ, nghiên cứu khoa học là một trong 6 mục tiêu giáo dục cốt lõi mà Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hướng đến cho học sinh. Trong môi trường học tập số, các em được tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khả năng tư duy và sáng tạo.
Trong chương trình giáo dục phổ thông, mỗi môn học có đặc thù riêng. Nhiệm vụ của giáo viên là giúp học sinh nhìn thấy mối liên hệ giữa việc ứng dụng kiến thức đã học để tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng trong thực tế, từ đó thấy được sự cần thiết của việc học.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, học sinh được học kỹ năng sắp xếp thời gian khoa học, phân chia công việc giữa các thành viên trong nhóm, biết cách lập kế hoạch, triển khai các bước trong quy trình thực hiện một dự án. Đặc biệt, việc tham gia các sân chơi, cuộc thi về khởi nghiệp sẽ giúp học sinh học hỏi thêm kinh nghiệm từ các dự án khác, từ đó phát triển đam mê nghiên cứu, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho định hướng nghề nghiệp sau này.
Theo thầy Phùng Nhật Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, song song với việc tạo sân chơi nghiên cứu khoa học cho học sinh, trường học cần duy trì thường xuyên hoạt động của các câu lạc bộ năng khiếu nhằm tạo điều kiện cho học sinh sinh hoạt, rèn luyện, phát triển các kỹ năng cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng đề nghị các trường tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hoạt động hướng nghiệp, đổi mới sáng tạo, giúp học sinh trang bị nền tảng kỹ năng và kiến thức để tiếp tục việc học ở các bậc học cao hơn, đồng thời phục vụ mục tiêu phát triển nghề nghiệp sau này.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho rằng, trước đây, hoạt động giáo dục khởi nghiệp chủ yếu triển khai ở cấp THPT. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hoạt động này đã mở rộng đối tượng học sinh ở cấp THCS. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của nhà trường nói chung, phụ huynh và học sinh nói riêng đối với hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhằm phát triển năng khiếu cho học sinh.