Làm gì để hạn chế những rủi ro cho sinh kế của người dân, chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, xung quanh vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, hết cá tra ”treo ao” đến ”giải cứu” đầu ra cho thịt heo, khoai lang, ớt... điệp khúc này cứ tái diễn, theo đồng chí đâu là nguyên nhân?
- Đồng chí TRẦN CÔNG CHÁNH: Trước tiên cần ghi nhận những nỗ lực của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và một số bộ ngành đã nhanh chóng phản ứng đưa ra giải pháp để tiêu thụ hàng nông sản gặp khó khăn đầu ra. Trong đó, cộng đồng đã rất nhiệt tình chia sẻ bằng cách tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông sản bị ùn ứ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Ở cấp độ điều hành vĩ mô, chúng ta nên hạn chế tình trạng này.
Theo ý kiến cá nhân tôi, câu chuyện nông sản cứ rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” là do chúng ta chưa điều hành tốt sản xuất gắn kết với thị trường. Ngoài yếu tố chưa cập nhật, nhận định tốt thị trường thì yếu tố “chạy theo đuôi” thị trường của nông dân cũng là nguyên nhân dẫn đến cung vượt cầu. Sau cá tra một thời hoàng kim, đến người nuôi heo thấy “siêu lợi nhuận” nên đổ xô nuôi. Khi thị trường gặp trục trặc thì hậu quả nông dân lãnh đủ.
Cũng nói thêm, chúng ta cần nhìn lại các kênh phân phối hàng hóa do nông dân làm ra. Phần lớn phải đi qua nhiều trung gian, dù giá hàng hóa nông dân bán giảm nhưng giá buôn bán tại thị trường vẫn cao. Tôi nghĩ, với cơ chế thị trường hiện nay, chúng ta nên hạn chế cái gọi là “cò, lái...”.
Chúng ta cần xác lập, gắn kết các nhà phân phối thu mua trực tiếp sản phẩm của nông dân, hạn chế bớt các trung gian không cần thiết. Đây cũng là xu thế tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt trước làn sóng hàng hóa nước ngoài hiện diện ngày càng nhiều.
Mô hình cánh đồng lớn của Hậu Giang ngày càng phát huy hiệu quả. Ảnh: CAO PHONG
* Được biết, Hậu Giang là tỉnh sớm có các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xin đồng chí cho biết, quá trình này đến nay triển khai ở địa phương như thế nào?
- Đến thời điểm hiện tại, Hậu Giang là tỉnh mới chia tách sau cùng ở ĐBSCL. Nông dân Hậu Giang còn nhiều bươn chải, đời sống khó khăn, nhiều gia đình có người phải ly hương, đi làm ăn xa. Trên quan điểm cần nắm bắt cụ thể tâm tư, nguyện vọng của người dân để đưa ra giải pháp cụ thể, tỉnh Hậu Giang liên tục tổ chức tọa đàm, hội thảo nhỏ với nông dân các vùng nguyên liệu. Trước đây, chúng tôi đã đối thoại với nông dân vùng trồng mía, trồng khóm, trái cây, lúa...
Trên cơ sở đó, Hậu Giang đã đưa ra các đề án tái cơ cấu sản xuất như: cơ giới hóa (hỗ trợ nông dân thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp), đề án 1.000 (chọn 1.000ha để hình thành vùng sản xuất tập trung, hoặc chọn 1.000 hộ nông dân để hỗ trợ sản xuất chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng...). Các đề án này đã phát huy hiệu quả thiết thực, tỷ lệ cơ giới hóa tăng nhanh, người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn...
Từ đó, thu nhập của người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất với quy mô trang trại xuất hiện. Thu nhập của nông hộ đạt từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm không phải là hiếm.
* Thưa đồng chí, theo ghi nhận thì vẫn còn nông dân một số vùng còn gặp khó khăn do chưa thuận lợi khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các đề án này?
- Đây là điều chúng tôi đã ghi nhận tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy khi kiểm điểm ngành nông nghiệp và các mô hình sản xuất. Tỉnh cũng đã nhắc nhở lãnh đạo các huyện không nên để người dân đơn độc khi làm thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay để thực hiện các mô hình sản xuất trong đề án.
Cái chính là lãnh đạo địa phương phải khảo sát, điều tra thực lực của nông dân, rồi đưa ra gói đề xuất thực hiện gắn với quy mô dự án. Sản xuất nông nghiệp lâu nay đóng vai trò như “bà đỡ” cho an sinh xã hội, nhưng nông dân lại là đối tượng dễ bị tổn thương. Chính vì lẽ ấy, chúng tôi luôn yêu cầu lãnh đạo huyện, thị phải sát sao, có giải pháp đồng bộ, lâu dài để hạn chế rủi ro cho nông dân.
Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng ý thức xác định thế mạnh, tập trung tạo ra sự đột phá, hướng đến mô hình tạo ra sản phẩm có giá trị cao, ổn định để giảm tổn thương trong sản xuất nông nghiệp.
* Cụ thể là Hậu Giang đã thực hiện các giải pháp nào để giảm tổn thương cho nông dân, thưa đồng chí?
- Trước tiên, tôi đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn do người nuôi cá tra “treo ao”. Tỉnh đã mời trực tiếp doanh nghiệp thủy sản Biển Đông đến họp với vùng nguyên liệu nuôi cá tra của tỉnh. Theo đó, doanh nghiệp đã đưa ra cam kết hỗ trợ từ 10% - 30% vốn để nông dân mua thức ăn, gắn với bao tiêu khoảng 50.000 tấn cá tra với mức giá 22.000 đồng/kg (ước lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/kg). Riêng đối với nông dân trồng trái cây, chúng tôi cũng đã mời các nhà khoa học từ các viện, trường đến khuyến cáo, cùng sự có mặt của doanh nghiệp chế biến nông sản Tiến Thịnh.
Đây là doanh nghiệp có 2 nhà máy chế biến với công suất 10.000 tấn/năm. Trong đó, nguyên liệu chủ lực là khóm và mãng cầu. Theo doanh nghiệp Tiến Thịnh, cần 50 tấn nguyên liệu/ngày để chế biến. Trên cơ sở này, tỉnh Hậu Giang đưa ra khuyến cáo phát triển diện tích trồng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Mới đây, Hậu Giang cũng cử đoàn công tác do ngành nông nghiệp dẫn đầu ra Hà Nội xúc tiến tiêu thụ 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Kết quả rất khả quan, bước đầu các doanh nghiệp ở Hà Nội đã thu mua chả cá thát lát Hậu Giang và khóm Cầu Đúc với số lượng nhất định theo định kỳ để phân phối trong hệ thống sản phẩm sạch tại Hà Nội.
Việc thành lập Văn phòng đại diện, hoặc người đại diện phân phối nông sản tỉnh Hậu Giang tại Hà Nội và ngược lại đang được xúc tiến. Chúng tôi nghĩ, đây là cách tạo lập kênh phân phối nông sản thiết thực, hạn chế bớt các trung gian không cần thiết. Trên cơ sở đó, từng bước ổn định đầu ra với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang, giúp nông dân giảm bớt rủi ro trong sản xuất.