Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, trong năm 2024, tốc độ tăng GRDP của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ ước đạt khoảng 7,6%, cao hơn bình quân chung cả nước, xấp xỉ đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2030 (tăng bình quân 7-7,5%/năm), trong đó, đứng đầu là 2 tỉnh Thanh Hóa (12,16%) và Khánh Hòa (10,16%).
Quy mô kinh tế của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ ước đạt khoảng 1.765,1 ngàn tỷ đồng, tỷ trọng tăng dần qua các năm, năm 2020 chiếm 14,26%, đến năm 2024 chiếm 15,31% GDP cả nước.
GRDP bình quân trong vùng đạt 127 ngàn tỷ đồng/địa phương, bằng khoảng 70% bình quân chung cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng (GRDP/người) năm 2024 ước đạt 85,79 triệu đồng/người, tăng khoảng 10% so với năm 2023, bằng khoảng 74% bình quân chung cả nước và đạt 55% mục tiêu đến năm 2030 (156 triệu đồng/người). Các địa phương có GRDP/người cao hơn bình quân vùng là TP Đà Nẵng (124 triệu đồng/người), tỉnh Khánh Hòa (109 triệu đồng/người), tỉnh Quảng Ngãi (107 triệu đồng/người).
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của 14 địa phương trong vùng đạt 237.411 tỷ đồng, tăng 16,7% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, dự kiến đạt 98% so với thực hiện năm 2023, trong đó dẫn đầu là tỉnh Thanh Hóa (40.000 tỷ đồng, chiếm 16,85% thu ngân sách cả vùng).
Theo đánh giá chung, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2022-2024 của cả vùng, GRDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến, thu chi ngân sách, giảm hộ nghèo, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dự kiến đạt mục tiêu. Kinh tế vùng đạt kết quả toàn diện, tăng trưởng năm 2024 dự kiến cao hơn gần 1% so với năm 2023... Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như tăng xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư xã hội, tăng trưởng công nghiệp-xây dựng và kinh tế số còn gặp khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh biến động của thế giới, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tăng trưởng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, với nhiều lĩnh vực đứng đầu trong cả nước.
“Thời gian tới, vùng phải tận dụng được những tiềm năng lợi thế của mình, phải tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt đạt chuẩn thương hiệu quốc gia và vươn tầm quốc tế. Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, Đông - Tây; cơ cấu lại kinh tế của vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, thương mại, du lịch, logistics, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn phía trước.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn 14 địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ cần tập trung vào xây dựng, đóng góp vào hệ thống giao thông quốc gia, đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, phải là vùng đi đầu trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này. Thêm vào đó, cần xây dựng và phát triển hệ thống đô thị theo mạng lưới, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ theo hướng đa trung tâm. Phát triển hệ thống đô thị loại I, II, III theo mô hình đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu.